Thuật toán của TikTok bao gồm bốn mục tiêu chính là "giá trị người dùng", "giá trị người dùng lâu dài", "giá trị của người sáng tạo" và "giá trị nền tảng". Những mục tiêu này được rút ra từ một tài liệu dành cho nhân viên công ty, cung cấp các chi tiết mới về cách ứng dụng video thành công nhất trên thế giới tạo ra một sản phẩm giải trí, thậm chí có thể gây nghiện.
Tài liệu này có tên "TikTok Algo 101" do nhóm kỹ sư của TikTok đến từ Bắc Kinh sản xuất. Người phát ngôn của công ty, Hilary McQuaide, đã xác thực và cho biết tài liệu được viết ra để giải thích cho các nhân viên phi kỹ thuật về cách thức hoạt động của thuật toán. Tài liệu cung cấp cái nhìn sơ lược về cả cốt lõi toán học của ứng dụng và cái nhìn sâu sắc về sự hiểu biết của công ty đối với bản chất con người, như những thứ dễ gây chán hay sự nhạy cảm đối với các tín hiệu văn hóa.
Tài liệu cũng vén bức màn về mối liên hệ của Tiktok với công ty mẹ có trụ sở tại Trung Quốc, ByteDance, vào thời điểm Bộ Thương mại Mỹ sắp đưa ra báo cáo về rủi ro bảo mật của nền tảng này đối với Mỹ.
Hàng tỷ người trên thế giới dành phần lớn thời gian để lướt TikTok, đây có thể coi là "ứng dụng của năm 2021" đối với văn hóa thanh thiếu niên nói riêng và văn hóa trực tuyến nói chung. Với nguồn video vô tận, không giống như các mạng xã hội khác, nền tảng này chủ yếu là để giải trí hơn là kết nối với bạn bè.
Tiktok đã thành công một phần vì việc tạo video quá dễ dàng, ứng dụng cung cấp sẵn nhạc nền để người dùng nhảy theo hoặc tạo ra meme thay vì phải tự sáng tạo. Hơn hết, ứng dụng này có thể nhanh chóng phát hiện các sở thích của người dùng và đề xuất họ đến với những nội dung khác. Tiktok rất giỏi "đọc vị" của mọi người: "Thuật toán TikTok còn hiểu xu hướng tình dục của tôi rõ hơn tôi", mọi người rất kinh ngạc trước bức ảnh chụp X-quang của ứng dụng về cuộc sống nội tâm của họ.
TikTok đã chia sẻ công khai các phác thảo hệ thống đề xuất của mình, dựa trên các yếu tố bao gồm lượt thích và bình luận cũng như thông tin của video như caption, âm thanh và hastag. Các nhà phân tích cũng đã cố "mổ xẻ" Tiktok.
Một báo cáo gần đây của Wall Street Journal đã chứng minh TikTok phụ thuộc vào lượng thời gian bạn dành để xem mỗi video để hướng người dùng đến nhiều video tương tự hơn. Điều này sẽ khiến bạn tiếp tục lướt, và có thể khiến người xem trẻ tuổi gặp nguy hiểm, đặc biệt là khi họ xem phải nội dung khuyến khích tự tử hoặc tự làm hại bản thân. TikTok cho biết họ vẫn đang nỗ lực để ngăn chặn những video tiêu cực bằng cách mạnh tay gỡ bỏ nội dung vi phạm điều khoản dịch vụ của mình.
Tài liệu giải thích rằng "mục tiêu cuối cùng" của công ty là thêm người dùng hoạt động hàng ngày. Thuật toán đã được cài đặt để tối ưu hóa hai chỉ số là "tỷ lệ giữ chân" (tức là liệu người dùng có quay lại) và "thời gian đã sử dụng". Ứng dụng muốn giữ chân bạn ở lại lâu nhất có thể.
Trải nghiệm này đôi khi được mô tả như một cơn nghiện, gợi ra những lời chỉ trích đối với văn hóa đại chúng. Tài liệu TikTok thừa nhận việc thuật toán đề xuất gây ra mối đe dọa xã hội. "Hệ thống này chú trọng vào thời gian xem. Thuật toán cố gắng khiến mọi người nghiện hơn là mang lại cho người dùng những gì họ thực sự muốn", Guillaume Chaslot, người sáng lập Algo Transparency nghiên cứu hệ thống đề xuất của YouTube và chỉ ra mặt tối của thuật toán, đặc biệt là đối với trẻ em.
"Việc cho phép thuật toán của TikTok định hướng cuộc sống của những đứa trẻ là điều điên rồ", Chaslot nói. "Mỗi khi trẻ xem video, TikTok lại thu được một phần thông tin cá nhân của chúng. Trong vài giờ, thuật toán có thể phát hiện những sở thích, liệu đứa trẻ có bị trầm cảm hay không, có sử dụng chất kích thích hay không và nhiều thông tin nhạy cảm khác. Những thông tin này có thể gây hại cho trẻ hoặc khiến chúng nghiện nền tảng hơn".
Tài liệu cho biết thời gian xem không phải là yếu tố duy nhất mà TikTok xem xét. Tài liệu đưa ra một phương trình cơ bản về cách chấm điểm các video, dựa trên dự đoán của máy tính và hành vi thực tế của người dùng được tổng hợp bởi ba dữ liệu: lượt thích, nhận xét và thời gian phát.
Theo tài liệu: "Hệ thống đề xuất cho điểm cho tất cả các video dựa trên phương trình này và đưa lại cho người dùng những video có điểm cao nhất". Tài liệu cũng minh họa chi tiết cách công ty điều chỉnh hệ thống của mình để xác định và ngăn chặn việc "câu like", đó là các video được thiết kế để đánh lừa thuật toán bằng cách yêu cầu mọi người thả tim một cách rõ ràng.
"Một số người sáng tạo nội dung có thể nhắc đến một số văn hóa riêng trong video của họ và người dùng chỉ có thể hiểu rõ hơn về những văn hóa đó bằng cách xem nhiều video của tác giả hơn. Do đó, tổng giá trị mà người dùng xem tất cả các video đó cao hơn giá trị xem từng video đơn lẻ được cộng lại", tài liệu cho biết.
Một ví dụ khác: nếu người dùng thích một loại video nhất định, nhưng ứng dụng vẫn tiếp tục đưa loại video đó, họ sẽ nhanh chóng cảm thấy nhàm chán và đóng ứng dụng. Trong trường hợp này, tổng giá trị tạo ra bởi người dùng xem cùng một loại video sẽ thấp hơn so với việc xem từng video đơn lẻ, bởi vì lặp đi lặp lại sẽ dẫn đến sự nhàm chán.
Một biểu đồ khác trong tài liệu chỉ ra rằng "kiếm tiền từ người sáng tạo" là một trong những mục tiêu của công ty. TikTok có thể ưu tiên các video sinh ra lợi nhuận hơn là những video chỉ để giải trí.
Tài liệu này đã giúp làm sáng tỏ loại hệ thống đề xuất mà các công ty công nghệ thường cho rằng các nhà phê bình và cơ quan quản lý khó nắm bắt được, nhưng hóa ra lại tập trung vào các tính năng mà bất kỳ người dùng bình thường nào cũng có thể hiểu được. Mặc dù các mô hình có thể phức tạp, nhưng thuật toán đề xuất TikTok được nêu trong tài liệu không có gì thâm sâu hoặc khó hiểu.
Tham khảo NYT