Tiêu chết đồng loạt
Bà Nguyễn Thị Hương (trú thôn 10, xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập) là một trong những hộ bị thiệt hại nặng nhất. Bà Hương cho biết: Từ năm 2010, khi hạt tiêu có giá rất cao, gia đình bà đã đầu tư hơn 1 tỉ đồng để trồng mới khoảng 3.000 trụ tiêu. Rồi sau đó, số lượng lên tới hơn 6.000 trụ… Bất ngờ, năm 2017, hơn 1.000 trụ bị nhiễm bệnh và chết dần.
Đến cuối năm 2018, hơn 5.000 trụ còn lại bắt đầu vàng lá, khô cành, chết như ngả rạ… Và, trong hơn tháng qua, thì gần như vườn tiêu nhà bà Hương bị "xóa sổ".
Tương tự, gia đình bà Nguyễn Thị Lý (thôn 9) cũng bị thiệt hại với 2.500 nọc tiêu, tương đương gần hơn 1,5ha. Đến nay, toàn bộ vườn tiêu của gia đình bà Lý thiệt hại đến 80%. Theo bà Lý, vườn tiêu đang xanh tốt bỗng dưng chuyển sang ngả vàng, khô lá rồi chết mà không rõ nguyên nhân.
Trước tình cảnh đó, bà lý đã sử dụng mọi biện pháp trừ bệnh nhưng vẫn không khỏi bệnh. Tiêu chết thành từng cụm rồi lây lan nhanh sang các trụ khác khiến gia đình bà Lý như ngồi trên đống lửa. Ngoài số nọc tiêu chết hẳn, những nọc tiêu kịp thời được cách ly tuy không bị lây bệnh nhưng cũng èo uột, thiếu sức sống.
Nhiều chủ vườn cắt hạ vườn tiêu để chuyển sang trồng loại cây khác. Ảnh: Đ.T
Còn gia đình anh Lê Đình Thành (trú ấp Thanh Sơn, xã Thanh An, huyện Hớn Quản), cách đây khoảng 3 tháng vườn tiêu với hơn 2.000 nọc đột nhiên ngả vàng, rụng lá, rồi chết không rõ nguyên nhân. Ngay sau khi phát hiện tiêu có dấu hiệu bệnh, anh Thành thuê máy cuốc đào mương sâu nhằm cách ly hồ tiêu bị bệnh nhưng vẫn không ăn thua.
Gia đình anh Trương Văn Nghiệp (ấp Tân Phước, xã Tân Tiên, huyện Bù Đốp) với gần 3.000 nọc tiêu chuẩn bị vào giai đoạn thu hoạch, thì vào tháng 4.2019 vừa qua, hàng ngàn nọc tiêu bỗng rụng lá, gốc rễ thối đen và không ngừng lây lan khiến gia đình anh không kịp trở tay…
Chưa rõ nguyên nhân tiêu chết
Ông Hà Anh Dũng - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh - nói: “Trước tình trạng tiêu chết, Sở Khoa học và công nghệ Bình Phước đã mời các nhà khoa học về khảo sát, nghiên cứu và tìm hiểu nguyên nhân, từ đó có giải pháp giúp người dân đối phó sâu bệnh trên cây tiêu.
Ông Hồ Long Nhật (huyện Hớn Quản) đã trồng xen cây ăn trái trong vườn tiêu đang nguy cơ bị xóa sổ. Ảnh: Đ.T
Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa thể tìm ra nguyên nhân và đưa ra giải pháp hữu hiệu, cụ thể điều trị cho loại cây trồng này. Hiện nay, người dân trồng tiêu trên địa bàn tỉnh vẫn đang tự cứu vườn tiêu của gia đình bằng những kinh nghiệm vốn có, cùng với những lời khuyến cáo của các cơ quan chức năng”.
Trước đó, năm 2018 toàn tỉnh Bình Phước có hơn 570ha tiêu bị bệnh chết nhanh. Theo ông Dũng, tình trạng thiếu nước tưới tiêu vào mùa khô, mùa mưa thì lốc xoáy…; càng khiến người trồng tiêu ở tỉnh Bình Phước đối mặt với muôn vàn khó khăn.
Bình Phước là địa phương có diện tích hồ tiêu lớn nhất nước, với 17.178ha, tăng hơn 700ha so năm 2017. Tuy nhiên, gần đây năng suất tiêu giảm đáng kể. Niên vụ 2017-2018 chỉ đạt 14 tạ/ha, sản lượng giảm hơn 40% so niên vụ 2016-2017.
Bệnh chết nhanh làm hồ tiêu chết hàng loạt, mức độ gây hại trên 70%, tập trung ở một số huyện, thị xã như: Bù Gia Mập 310ha, Bình Long 79ha, Hớn Quản 54ha, Bù Đốp 41ha, Lộc Ninh 25ha…