Tiêu hủy phế liệu tồn đọng gặp khó

06/05/2022 15:46
Với tiến độ tiêu hủy như hiện nay, cần tới 2 năm mới xử lý hết hàng trăm container phế liệu tồn đọng tại các cảng ở TP HCM.

Từ cuối tháng 3-2022, Chi Cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 (cảng Cát Lái) thuộc Cục Hải quan TP HCM bắt đầu triển khai kế hoạch tổ chức tiêu hủy phế liệu không đủ điều kiện nhập khẩu, không đạt quy chuẩn quốc gia về môi trường vốn tồn đọng ở cảng nhiều năm qua.

Theo kế hoạch, đợt đầu có tổng cộng 357 container loại 40 feet của 10 hãng tàu sẽ bị tiêu hủy tại 4 nhà máy ở TP HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước và Đồng Nai. Hình thức tiêu hủy là ép, xay cắt, sau đó đốt trong lò 2 cấp có hệ thống xử lý khí thải hoặc lò đốt chất thải công nghiệp. Tuy nhiên, theo Cục Hải quan TP HCM, tính đến ngày 25-4, mới có 36 container phế liệu bị tiêu hủy, tức bình quân mỗi ngày chỉ tiêu hủy được 1 container.

Trước tình hình này, ông Nguyễn Hữu Nghiệp, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP HCM, mới đây đã có công văn gửi Tổng cục Hải quan, báo cáo những vướng mắc sau một tháng tiến hành tiêu hủy phế liệu tồn đọng. Cụ thể, phần lớn các hãng tàu đều ký hợp đồng tiêu hủy tập trung với 3 công ty xử lý chất thải môi trường.

Thế nhưng, các công ty này tiếp nhận xử lý phế liệu chủ yếu bằng phương pháp thủ công; công nhân đưa từng kiện hàng vào lò đốt bằng phương tiện thô sơ, xe nâng hạ, rút hàng hóa ra khỏi container một cách không chuyên nghiệp. Do đó, công suất tiêu hủy rất thấp, trung bình chỉ 1 tấn/giờ. Nếu hoạt động hết công suất cũng chỉ tiêu hủy 1 container/ngày.

Bên cạnh đó, việc phải thực hiện đúng nội dung hướng dẫn tại Công văn 632 ngày 25-2-2022 của Tổng Cục Hải quan về tiêu hủy phế liệu cũng ảnh hưởng đến quá trình thực hiện. Chẳng hạn, trước khi cắt seal container để tiêu hủy hàng hóa, hội đồng giám sát phải chụp ảnh cửa container, chụp ảnh seal, lập biên bản mở container, ghi rõ số hiệu container, seal. Hội đồng giám sát còn phải lập biên bản xác nhận các bên liên quan cũng như lưu hình ảnh, biên bản vào hồ sơ xử lý tiêu hủy...

Toàn bộ quá trình tiêu hủy phải được giám sát từ khi cắt seal đến khi tiêu hủy toàn bộ lô hàng, tốn rất nhiều nhân lực. Tuy nhiên, cán bộ, công chức giám sát tiêu hủy chỉ làm việc 8 giờ/ngày, một số thời điểm không đủ thành viên tham gia đã khiến quá trình tổ chức tiêu hủy phế liệu bị gián đoạn và kéo dài. Do đó, tiến độ tiêu hủy thời gian qua rất chậm.

Dựa trên tình hình thực tế, Cục Hải quan TP HCM cho rằng theo tiến độ hiện nay, việc tiêu hủy toàn bộ 732 container phế liệu tồn đọng tại các cảng ở TP HCM có thể kéo dài đến 2 năm.

Chưa kể, điều kiện làm việc của cán bộ, công chức giám sát tiêu hủy không được bảo đảm, về lâu dài có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Quá trình xử lý tiêu hủy phế liệu bằng phương pháp đốt với nhiệt độ trên 1.000 độ C còn gây ô nhiễm môi trường, gây độc hại mà mắt thường không nhìn thấy được...

Do đó, Hội đồng Xử lý hàng tồn đọng đã gửi công văn cho Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành liên quan, đề nghị xem xét lại đánh giá tác động môi trường của việc tiêu hủy để có căn cứ báo cáo, đề xuất với Tổng cục Hải quan những biện pháp xử lý phù hợp.

Trước đó, Cục Hải quan TP HCM cũng đã có công văn gửi các hãng tàu liên quan đề nghị có ý kiến về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện tiêu hủy phế liệu. Trường hợp các hãng tàu có nhu cầu tái xuất hàng hóa là phế liệu ra khỏi Việt Nam thì phải có văn bản phản hồi và phương án, thời gian để Hội đồng Xử lý hàng tồn đọng báo cáo lên Tổng cục Hải quan nghiên cứu...

Đại diện hãng tàu EverGreen cho biết đã hoàn tất phương án tiêu hủy 6 container gửi Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, đề nghị Hội đồng Xử lý hàng tồn đọng vẫn tiến hành tiêu hủy các container này trong thời gian sớm nhất để giải phóng container cho hãng. Riêng 30 container còn lại, việc tiêu hủy đang gặp khó khăn vì các khách hàng chưa đồng ý trả chi phí tiêu hủy do quá cao.

"Chúng tôi cần thời gian để tìm người mua. Việc này có thể mất thêm thời gian. Ngoài ra, hiện nay, hãng tàu chúng tôi không nhận vận chuyển hàng phế liệu nhựa nên việc xử lý cũng gặp khó khăn. Chúng tôi đề nghị hội đồng xem xét cho sang hàng qua container của hãng tàu khác để việc tái xuất khỏi lãnh thổ Việt Nam được thuận lợi, nhanh chóng" - đại diện hãng tàu EverGreen nêu ý kiến.

Xin được tiêu hủy cả ngày

Một công ty chuyên xử lý rác thải, phế liệu tại tỉnh Đồng Nai cho biết đã ký kết với 2 hãng tàu tiêu hủy 20 container phế liệu đang lưu tại 2 cảng VICT (quận 7) và ICD (TP Thủ Đức), bắt đầu triển khai từ ngày 4-4. Thế nhưng, trong quá trình tiêu hủy phát sinh rất nhiều khó khăn, dẫn tới việc không đạt kế hoạch đề ra, tốn rất nhiều thời gian và chi phí. Cụ thể, việc tiêu hủy chỉ diễn ra trong giờ hành chính, không phù hợp với quy trình xử lý chất thải đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định. Do thời gian đốt quá ít (chỉ từ 9 giờ đến 17 giờ), sau đó phải tắt lò và niêm phong hàng hóa để hôm sau chờ hải quan cũng như các lực lượng khác kiểm tra mở niêm phong mới tiếp tục đốt nên tốn nhiều chi phí...

Vì vậy, công ty này đề nghị Hội đồng Xử lý hàng tồn đọng cho phép được thực hiện tiêu hủy liên tục 24 giờ mỗi ngày. "Chúng tôi cam kết sẽ tiêu hủy toàn bộ các lô phế liệu không đủ điều kiện nhập khẩu, không đánh tráo hàng hóa là phế liệu ra khỏi nhà máy và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu xảy ra tình trạng sang chiết hàng hóa..." - đại diện công ty này quả quyết.

Tin mới

iPhone của bạn sắp thành "đồ cổ"? Đây là điều bạn cần biết!
6 giờ trước
Mọi sản phẩm công nghệ đều có giới hạn vòng đời. Apple cam kết hỗ trợ các thiết bị của mình ít nhất 5 năm sau khi ngừng bán, nhưng sau mốc thời gian này, chúng có thể bị phân loại là “hàng cũ”.
"Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hoà là đẩy lùi sinh hoạt 40-50 năm"
5 giờ trước
Nhiều đại biểu Quốc hội đã đề xuất loại điều hoà nhiệt độ khỏi danh mục mặt hàng chịu thuế trong dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Cuộc chạy đua robot của các 'ông lớn' công nghệ ngày càng nóng, tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng vừa nhanh chóng tham gia
5 giờ trước
Thị trường này được dự báo sẽ đạt 38 tỷ USD vào năm 2035, với gần 1,4 triệu lô hàng.
FWD Việt Nam: Điểm sáng trong bảng xếp hạng môi trường làm việc 2024
5 giờ trước
Công ty Bảo hiểm Nhân thọ FWD tiếp tục được vinh danh trong bảng xếp hạng Top 100 Nơi Làm Việc Tốt Nhất Việt Nam 2024, khẳng định vị thế hàng đầu trong thị trường lao động.
Doanh số tại Việt Nam tăng mạnh, Yamaha kiếm được bao nhiêu tiền?
4 giờ trước
Trong Quý III/2024, Việt Nam là thị trường có tăng trưởng doanh số cao thứ 2 trên toàn thế giới của Yamaha.

Tin cùng chuyên mục

Người hút xì gà sẽ phải trả thuế tối đa 100.000 đồng/điếu
9 giờ trước
Tại dự thảo sửa đổi Thuế tiêu thụ đặc biệt vừa được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, lấy ý kiến trước khi thông qua, cơ quan soạn thảo đề xuất đánh thuế tuyệt đối ở mức rất cao đối với xì gà.
Tivi giảm giá sốc, nhiều mẫu chỉ còn dưới 3 triệu đồng/chiếc
13 giờ trước
Ngoài việc giảm giá lên đến 90%, nhiều mẫu tivi còn được tặng kèm quà hấp dẫn để thu hút người tiêu dùng.
Đại lý xả kho Wuling Mini EV 2023 còn 185 triệu đồng, chỉ nhỉnh một chút so với xe máy tay ga cao cấp
14 giờ trước
Mức giảm của Wuling Mini EV LV2 120 km sản xuất 2023 giống với giá ưu của những chiếc  Wuling Mini EV LV1 bản 120 km cuối cùng được bán tại các đại lý.
Hàng chục nghìn tấn ‘vàng trên cây’ từ Indonesia đổ bộ Việt Nam: Toàn cầu liên tục khan hiếm, nước ta nắm trùm với 60% sản lượng
14 giờ trước
Nguồn cung sụt giảm từ nước ta đang gây tác động lớn đến giá trên toàn thế giới.