Theo báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản xuất thép thành phẩm trong tháng 2 là 2,6 triệu tấn, tăng 1,2% so với tháng trước đó và tăng 16,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Bán hàng thép các loại ở mức 2,6 triệu tấn, tăng 5,8% so với tháng trước và tăng 30,1% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung trong 2 tháng đầu năm, bán hàng thép thành phẩm ở mức 5 triệu tấn, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu đạt 126.017 tấn, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo báo cáo mới đây của CTCP Chứng khoán VNDirect, ngành thép Việt Nam đã bước vào giai đoạn mở rộng từ quý III/2020 khi biên lợi nhuận gộp của các công ty thép niêm yết đã được mở rộng liên tiếp đến quý III/2021. Trong giai đoạn này, một số công ty đã công bố kế hoạch mở rộng công suất (Hòa Phát Dung Quất 2 – HPG; Bà Rịa Vũng Tàu – Tôn Đông Á; Nghi Sơn 2 – Tập đoàn VAS Nghi Sơn) hay gia nhập ngành (Long Sơn Bình Định – Tập đoàn Long Sơn). Các nhà máy mới này có thể làm tăng lo ngại về dư cung đối với thép Việt Nam trong những năm tới, đặc biệt khi ngành thép bước vào giai đoạn suy thoái.
Tuy nhiên, VNDirect cho rằng nhu cầu tiêu thụ thép ở Việt Nam sẽ vẫn cao do 4 yếu tố.
Thứ nhất, nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng rất lớn tại Việt Nam. Theo Bộ Giao thông Vận tải, Chính phủ đang đặt mục tiêu cả nước sẽ sở hữu 3.000 km cao tốc đến cuối năm 2025 (từ mức 1.163 km cao tốc hiện nay). Trong kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, số vốn ước tính cũng tăng thêm 43,5% so với giai đoạn 5 năm trước đó.
Thứ hai, tỷ lệ đô thị hóa tại Việt Nam còn thấp. Tỷ lệ đô thị hóa tại Việt Nam đã tăng nhanh chóng kể từ năm 1990 và đạt 37% vào năm 2020, tuy nhiên vẫn thấp hơn nhiều nước trong khu vực. Theo dự báo của Liên Hợp quốc, dân số thành thị của Việt Nam sẽ vượt qua dân số nông thôn vào năm 2050. Sự dịch chuyển dân cư ra thành thị sẽ kéo theo nhu cầu xây dựng nhà ở gia tăng, kích thích nhu cầu sử dụng thép trong xây dựng dân dụng.
Tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam thấp hơn nhiều nước trong khu vực. Nguồn: VNDirect
Thứ ba, tiêu thụ thép bình quân đầu người của Việt Nam vẫn đang thấp hơn mức trung bình của châu Á. Theo số liệu của Hiệp hội Thép Thế giới (WSA), tiêu thụ thép bình quân đầu người của Việt Nam là 283 kg, cao hơn mức trung bình thế giới (245 kg), nhưng thấp hơn mức trung bình châu Á (316 kg). Mặt khác, tăng trưởng kép tiêu thụ thép bình quân đầu người của Việt Nam cũng đặt tốc độ ấn tượng 7,3% trong giai đoạn 2009-2019, gấp lần lượt 4 lần/2 lần so với tốc độ tăng trưởng trung bình của thế giới và châu Á.
Thứ tư, Việt Nam đứng trước cơ hội trở thành công xưởng sản xuất thép mới của thế giới. Trung Quốc - quốc gia sản xuất 45% sản lượng thép thô toàn cầu năm 2021, đang thực hiện hàng loạt chính sách gây ảnh hưởng tiêu cực đến ngành thép nước này như loại bỏ hoàn thuế VAT 13% đối với 146 sản phẩm thép từ tháng 5/2021, giảm thuế nhập khẩu thép thô, gang và thép phế xuống 0% từ tháng 5/2021. Trung Quốc cấm nhập khẩu than từ Australia khiến các nhà máy thép khó tiếp cận được nguồn nguyên liệu giá rẻ. Quốc gia đông dân nhất thế giới cũng đang theo đuổi mục tiêu giảm 65% lượng khí thải Co2 trên mỗi đơn vị GDP so với mức của năm 2005, trọng tâm sẽ buộc giảm sản lượng các ngành sản xuất công nghiệp nặng, trong đó có thép.