Hàng thịt heo vắng khách
Ghi nhận của PV Báo điện tử VTC News, những ngày qua, tiểu thương buôn bán thịt heo tại các chợ truyền thống ở Đà Nẵng than trời vì ế ẩm do trên địa bàn xuất hiện ổ dịch tả lợn Châu Phi.
Tại chợ Đống Đa, quận Thanh Khê, một trong những chợ truyền thống lớn của Đà Nẵng, khu vực bán thịt heo , các quầy hàng khá vắng khách. Trên bàn các quầy hàng, số thịt heo bày bán cũng không nhiều như trước khi xuất hiện dịch. Thậm chí một số tiểu thương cũng tạm đóng quầy, dừng buôn bán do ế ẩm.
Theo bà Mai Thị Hòa (tiểu thương chợ Đống Đa), khoảng chục ngày qua, sau khi có thông tin trên địa bàn huyện Hòa Vang xuất hiện ổ dịch tả lợn Châu Phi, số khách đến chợ mua thịt heo giảm hẳn so với bình thường.
“ Bình thường người mua khá đông nhưng khoảng 10 ngày nay thì vắng hẳn. Trước khi có dịch, tôi bán mỗi ngày khoảng 100kg nhưng bây giờ chưa được một phần hai. Thịt mình có dấu kiểm định an toàn nhưng tâm lý của người dân là khá lo lắng nên hạn chế sử dụng sản phẩm từ thịt heo cho bữa cơm gia đình ”, bà Hòa chia sẻ.
Qua giờ cao điểm hoạt động mua bán của chợ truyền thống nhưng quầy thịt heo của bà Lê Thị Xuân (chợ Đống Đa) vẫn còn rất nhiều hàng chưa bán được. Theo bà Xuân, kinh tế khó khăn là một phần, nguyên nhân chính là do thông tin xuất hiện ổ dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn Đà Nẵng khiến người dân hạn chế ăn thịt.
“ Trước khi xuất hiện ổ dịch, mỗi ngày tôi bán khoảng 300-400kg. Những người bán hàng thịt heo như tôi bây giờ chủ yếu cung cấp cho các quán ăn chứ khách hàng là người đi chợ lo cho bữa cơm gia đình ít lắm ”, bà Xuân cho biết.
Ghi nhận tại chợ Đống Đa, trong khoảng 30 phút (từ 9h-9h30) ngày 13/8, hơn 20 quầy hàng bán thịt heo chỉ có chưa đầy 20 khách đến mua hàng. Thậm chí có một số tiểu thương đã đóng cửa quầy tạm nghỉ vì buôn bán ế ẩm.
Cũng rơi cảnh tương tự, các tiểu thương bán thịt heo tại chợ Bắc Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng tỏ ra khá buồn khi sức mua giảm rất nhiều.
Theo chị Bé (tiểu thương chợ Bắc Mỹ An), người dân nay chuyển sang sử dụng các loại thực phẩm khác như thịt gà, thịt bò hoặc các loại hải sản.
“ Nếu bình thường chưa xuất hiện dịch tả lợn, tôi bán đến khoảng 10h là gần hết nhưng những ngày gần đây, dù nhập ít hàng hơn nhưng vẫn còn khá nhiều. Buôn bán vốn đã khó khăn, giờ thêm thông tin dịch bệnh nên lại càng khó. Ế ẩm lắm! ”, chị Bé chia sẻ.
Không chỉ chợ Đống Đa, Bắc Mỹ An mà tại các chợ truyền thống trên địa bàn Đà Nẵng, các tiểu thương buôn bán thịt heo cũng chịu cảnh ế ẩm. Nguyên nhân là từ khi xuất hiện ổ dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn huyện Hòa Vang, tâm lý người tiêu dùng, các bà nội trợ đều e ngại sử dụng thực phẩm này.
Sợ dịch bệnh, người dùng "bỏ" thịt heo
Chị Hồng, người giữ xe tại chợ Đống Đa cho biết: Khoảng nửa tháng nay, gia đình mình rất hạn chế sử dụng thịt heo vì còn có nhiều loại thực phẩm thay thế. Nếu cần chế biến những món từ thịt heo , tôi chọn đến siêu thị để mua. Dù biết rằng thịt heo ở chợ được kiểm định an toàn thực phẩm nhưng tâm lý mà. Thôi thì cứ phòng bệnh hơn chữa bệnh.
Cũng tâm lý “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, chị Phan Thị Thủy (trú phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) cho biết đã hơn một tuần nay chị không mua thịt heo về chế biến món ăn cho gia đình.
“ Lâu không ăn cũng thèm. Tuy nhiên, vì đảm bảo sức khỏe cho gia đình, tạm thời mình chuyển sang các loại thực phẩm khác, khi nào hết dịch thì lại mua ”, chị Thủy cho biết.
Bà Lê Thị Hằng (chủ quán cơm tại trung tâm quận Hải Châu, Đà Nẵng) cũng phải thay đổi thực đơn, hạn chế những món được chế biến từ thịt heo . Theo bà Hằng, những ngày gần đây khách đến quán dùng cơm gọi rất ít món ăn từ thịt heo .
" Khách không nói ra nhưng mình cũng hiểu được tâm lý của họ. Khách thường chọn những món ăn khác, rất ít người gọi món được chế biến từ thịt heo ", bà Hằng cho biết.
Được biết, ngày 7/8, UBND huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng có quyết định công bố dịch bệnh dịch tả lợn Châu Phi tại các xã trên địa bàn huyện.
Cụ thể, vùng có dịch gồm xã Hòa Ninh và Hòa Phong; vùng bị dịch uy hiếp gồm xã Hòa Phú, Hòa Sơn, Hòa Khương, Hòa Tiến, Hòa Nhơn, Hòa Liên và vùng đệm gồm xã Hòa Bắc, Hòa Châu và Hòa Phước.
Cùng với quyết định công bố dịch, UBND huyện Hòa Vang yêu cầu các xã trong vùng có dịch tập trung khoanh vùng ổ dịch, nhanh chóng thực hiện các biện pháp bao vây, khống chế, dập tắt dịch, ngăn chặn dịch lây lan. Đồng thời, các xã có dịch phải tổ chức tiêu hủy lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh, chết… theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
UBND huyện Hòa Vang cũng yêu cầu tạm dừng các hoạt động giết mổ, đưa vào, mang ra hoặc lưu thông trong vùng có dịch đối với lợn và các sản phẩm từ lợn, trừ trường hợp được phép vận chuyển theo quy định.