Là một trong những "Aspiring Unicorns" (kỳ lân triển vọng) - của Đông Nam Á, khởi nghiệp từ mô hình bán sách online, Tiki đã có một hành trình phát triển đầy ấn tượng để trở thành một trong những sàn thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam.
Chia sẻ tại chương trình "Xúc tiến Khởi nghiệp thương mại điện tử Việt Nam" được tổ chức mới đây tại Tp.HCM, ông Nhân Lê – nhà quản lý phát triển kinh doanh chiến lược tại Tập đoàn Tiki – đã có những chia sẻ về hành trình đã, đang và sẽ tiếp tục của Tiki. Đặc biệt, tiếp sau thành công sàn thương mại điện tử B2C, đại diện Tiki tiết lộ chiến lược sắp đến sẽ đẩy mạnh bán hàng xuyên biên giới.
Xuất phát từ thực tế rất nhiều khách hàng có nhu cầu mua hàng nước ngoài nhưng chưa tìm được ở Việt Nam, hoặc giá trong nước quá đắt, hoặc trở ngại trong việc thanh toán khi chỉ 10% người Việt sở hữu thẻ tín dụng.
Chưa kể khi đặt hàng ở nước ngoài phải chờ hàng chuyển về trong khoảng thời gian lâu, chi phí vận chuyển cũng không rẻ, thậm chí mất thêm thời gian để làm thủ tục lấy hàng… rất nhiều khâu phức tạp.
Do đó, nhiều đơn vị tại Việt Nam thời gian gần đây đã nhảy vào mảng bán hàng xuyên biên giới nhằm phục vụ nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Đáng chú ý có FPT Retail (FRT) cũng tham gia dịch vụ cung ứng hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam cho cung - cầu trên vài tháng trở lại đây. Giữa áp lực tăng trưởng ngành ICT giảm nhiệt, mảng dược (chuỗi Long Châu) vẫn còn giai đoạn đầu tư; bán hàng xuyên biên giới được xem là phép thử của Tập đoàn. Trong đó, thế mạnh Công ty theo ban lãnh đạo sẽ cam kết đặt hàng thì chắc chắn hàng về, giảm thiểu rủi ro mất hàng; đồng thơi với khách hàng chưa có thẻ tín dụng thì vẫn có thể thông qua FPT Retail để đặt hàng.
Hay chia sẻ bởi bà Hiền Nguyễn - Quản lý Phát triển đối tác chiến lược của Amazon tại Việt Nam: "Thay vì mô hình xuất khẩu truyền thống mất quá nhiều công đoạn, khó kiểm soát thị trường, không có sự tương tác để hiểu hành vi mua hàng thì mô hình thương mại điện tử xuyên biên giới rút ngắn các bước, tiếp cận và nắm bắt xu hướng thị trường".
Trở lại câu chuyện của Tiki, bắt đầu hành trình bằng cửa hàng bán sách trực tuyến vào năm 2010, bước sang giai đoạn 2011-2012, Tiki mở rộng sang dịch vụ giao hàng thương mại điện tử và đạt được một số thành tựu nhất định. Sau thời gian phát triển và mở rộng ngành hàng, năm 2015 Tiki là chính thức lọt Top 5 thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam.
Năm 2017, Tiki là 1 trong 10 doanh nghiệp hàng đầu ảnh hưởng đến sự phát triển internet của Việt trong một thập kỷ. Với những triển vọng, ngoài vốn từ công ty mẹ là VNG với khoảng 506 tỷ đồng, tương ứng với 28,88% cổ phần (tính đến năm 2018), Tiki cũng thu hút vốn từ các tay chơi lớn khác, gần nhất có Tập đoàn thương mại điện tử Trung Quốc JD.com đã nắm giữ 25,65% cổ phần của Tiki (tính đến tháng 4/2019).
Mặc dù vậy, trong cuộc chơi khốc liệt của thương mại điện tử, Tiki vẫn đang ghi nhận thua lỗ. Năm 2016 và 2017, Tiki lỗ lần lượt là 179 tỷ và 282 tỷ đồng, qua đó VNG cũng ghi nhận khoản lỗ tương ứng 93 tỷ và 126 tỷ vào kết quả kinh doanh của mình. Năm 2018, khoản lỗ từ Tiki mà VNG phải "gánh" tăng hơn gấp đôi lên 254 tỷ đồng.