Từ báo cáo thường niên của VNG về các khoản lỗ ở các công ty liên kết cho thấy năm 2017, Tiki lỗ khoảng 282 tỷ đồng. Cộng với khoản tiền Tiki báo lỗ 40 tỷ đồng năm 2016, sau 2 năm trang thương mại điện tử này đã "đốt" 322 tỷ đồng.
Tiki nằm trong nhóm những trang thương mại điện tử có thị phần lớn hiện nay tại Việt Nam, cùng với những cái tên khác như Lazada, Shopee. Từ một trang chỉ bán sách tiếng Anh năm 2010, Tiki nhận các khoản đầu tư khác nhau sau đó nhận hơn 380 tỷ đồng từ VNG vào năm 2016 sau khi mở rộng ngành nghề sang bán hàng điện tử, thời trang, và nhiều thứ khác. Kể từ thời điểm VNG rót tiền, Tiki liên tục báo lỗ, và có lẽ công ty khởi nghiệp này sau 8 năm vẫn chưa có lợi nhuận.
Giống với Tiki, những cái tên như Lazada hay Shopee cũng được cho là chưa có lợi nhuận tại thị trường Việt Nam. Dù vậy, Lazada và Tiki vẫn đang được các nhà đầu tư đổ thêm tiền để… lỗ.
JD.com, doanh nghiệp thương mại điện tử lớn thứ hai Trung Quốc, dẫn đầu một nhóm nhà đầu tư đã bỏ số tiền 44 triệu USD vào Tiki hồi cuối năm 2017, sau đó tiếp tục bơm vốn cho trang bán hàng Việt Nam hồi đầu năm 2018.
Động thái rót tiền vào Tiki của JD.com diễn ra sau khi Alibaba - đối thủ số một của JD.com tại Trung Quốc - đổ tiền vào Lazada ở khu vực Đông Nam Á.
Vì sao những gã khổng lồ tầm cỡ thế giới tiếp tục đổ tiền vào thương mại điện tử Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng dù bán hàng online vẫn không mang về lợi nhuận cho các website này?
Điều hiển nhiên rằng thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam tăng trưởng liên tục hai con số, có những dự báo lạc quan cho thấy quy mô thị trường có thể đạt 10 tỷ USD vào năm 2020. Dân số trẻ, tỷ lệ dùng smartphone và Internet cao khiến các nhà đầu tư tiếp tục lạc quan vào thị trường này.
Dù thế, mua bán hàng qua mạng vẫn chỉ dừng ở mức tiềm năng, tỷ trọng mua hàng online so với quy mô thương mại nói chung vẫn rất nhỏ, do đó những trang thương mại điện tử lớn vẫn phải tiếp tục hy sinh lợi nhuận để thu hút khách hàng.
Mở rộng mặt hàng, giảm giá, khuyến mãi, chi phí giao nhận, kho bãi, chăm sóc khách hàng,.. chính là những thứ sẽ đốt tiền của các nhà đầu tư trước khi doanh thu đủ lớn, hệ sinh thái đủ mạnh để chi phí giảm, tạo lợi nhuận. Chính vì những lý do này, các trang thương mại điện tử lớn vẫn tiếp tục chấp nhận lỗ cho đến khi thói quen tiêu dùng trên mạng đủ lớn.
Việc đốt tiền được hiểu như lẽ tất nhiên khi đầu tư vào thương mại điện tử tại thị trường non trẻ như Việt Nam, do đó những dự án được đầu tư ít hơn đã phải đóng cửa, như Beyeu, Deca, Lingo hay Foodpanda trước đây.
Trong giai đoạn này, các nhà đầu tư sẽ phải xem xét về thị phần, doanh số bán hàng của một trang thương mại điện tử để quyết định đầu tư tiếp.
Một ví dụ tiêu biểu là Amazon, trang web gần như khai sinh thương mại điện tử và có doanh thu lớn nhất thế giới, cho đến nay vẫn có lợi nhuận rất thấp so với doanh thu. Điều này là do CEO Jeff Bezos chú trọng gia tăng doanh thu hơn là tạo lợi nhuận cho gã khổng lồ này. Bằng chứng là doanh thu bán hàng của Amazon liên tục tăng trong khi lợi nhuận được giữ ở mức tượng trưng kể từ năm 1997 đến năm 2015, chỉ tăng lên từ 2016 đến nay.
Biểu đồ doanh thu ấn tượng của Amazon (phía trên) và lợi nhuận èo uột (phía dưới) - Nguồn: Macrotrends |
Kể từ khi thành lập năm 1995, cho đến năm 2001 Amazon mới ghi nhận khoản lời 5 triệu USD đầu tiên (từ trước năm 1997 Amazon chưa niêm yết nên không công khai số liệu kinh doanh). Mức lợi nhuận vài triệu hay vài chục triệu USD của Amazon không thể so với doanh thu hơn trăm tỷ USD của trang bán hàng trụ sở tại Mỹ. Tuy nhiên, mức lợi nhuận này vẫn duy trì thấp từ trước đến nay, thậm chí có thời điểm Amazon lỗ dù đã là website bán hàng doanh thu số 1 thế giới.
Cho đến thời điểm hiện tại, rất khó để biết khi nào các trang như Lazada, Tiki, Shopee hết báo lỗ tại Việt Nam. Vì tuỳ vào chiến lược ưu tiên của từng doanh nghiệp khi đầu tư vào thị trường này mà họ sẽ có cách làm khác nhau. Có điều chắc chắn rằng, nếu đặt nặng mục tiêu giành khách hàng và thị phần, rất khó để các trang này có lợi nhuận trong một vài năm tới.