Như trước đó Dân Việt đã thông tin, ngày 3/10, Đoàn kiểm tra của Tổ Thương mại điện tử, Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường (Tổng cục Quản lý thị trường) kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh bên trong tòa nhà Eco Green, số 286 đường Nguyễn Xiển, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Đây là nơi các nhân viên thực hiện chốt đơn và "cày view" cho các video giới thiệu về các sản phẩm như nước hoa, son, bàn chải điện đăng bán chủ yếu trên Tiktok và Facebook. Địa điểm này thuộc sở hữu của Công ty cổ phần Tập đoàn Zenpali.
Tiếp đó, Đoàn kiểm tra nhanh chóng xác định vị trí kho hàng của Công ty và phát hiện hàng chục thùng carton nước hoa các nhãn hiệu như True Love, First Love, Mon Paris, Maiden, Karri…
Bước đầu, lực lượng chức năng xác định toàn bộ sản phẩm được bán bằng hình thức livestream trên các nền tảng thương mại điện tử như Tiktok, Facebook dưới một số tài khoản, điển hình như tài khoản "Phan Thủy Tiên" với hơn 4 triệu lượt follow.
Là một người thường xuyên xem và mua hành qua các kênh livestream trên Tiktok, chị Nguyễn Thị Bảo Ngọc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì tỏ ra bất an khi những vụ việc hàng kém chất lượng liên tục phanh phui.
"Tưởng rằng kênh lớn, nhiều lượt theo dõi thì hàng hóa sẽ đảm bảo chất lượng. Sau những vụ như thế này có lẽ tôi cần xem lại thói quen mua sắm qua mạng. Tuy nhiên, ở cương vị người tiêu dùng tôi vẫn mong muốn được hướng dẫn, đánh giá như thế nào là kênh uy tín, đảm bảo thay vì tù mù như hiện nay", chị Ngọc phân vân.
Đây cũng là tâm lý của rất nhiều người tiêu dùng, khi thói quen mua sắm qua các kênh trực tuyến đang ngày càng phổ biến, nhưng giá trị đảm bảo dường như đang không theo kịp.
Với riêng vụ việc phát hiện số lượng lớn hàng vi phạm đăng bán qua kênh Tiktok Phan Thủy Tiên, nguồn tin của phóng viên Dân Việt cho biết đơn vị chức năng đã kiểm đếm có tổng cộng 10.207 chai nước hoa. Đồng thời, Tổ Thương mại điện tử đang tập trung làm rõ hai hành vi vi phạm gồm kinh doanh hàng hóa có dấu hiệu không rõ nguồn gốc xuất xứ, và hàng hóa có dấu hiệu nhập lậu.
Chia sẻ với phóng viên, một chuyên gia trong ngành quản lý thị trường cho biết đối với vi phạm về hàng hóa cho biết, vụ việc sẽ được chuyển sang cơ quan điều tra khi xác định có dấu hiệu tội "Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp" theo Điều 226 Bộ Luật Hình sự.
Tham chiếu theo quy định này và so sánh với những hành vi đang được Tổng cục Quản lý thị trường xác minh, lỗi vi phạm sẽ không đến mức phải truy cứu hình sự.
Đối với người tiêu dùng, có đủ căn cứ chứng minh đã mua hàng tại cơ sở vi phạm, hoặc nhận thấy các sản phẩm có dấu hiệu vi phạm, chất lượng không đảm bảo có thể gửi khiếu nại tới các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng hoặc Cục Quản lý thị trường nơi đăng ký trụ sở công ty.
Tuy nhiên, vị chuyên gia nhận định, ít khi người tiêu dùng lên tiếng bởi việc khiếu nại đôi khi mất thời gian, giá trị hàng hóa lại không quá lớn nên thường cho qua.
Nhiều kênh hot Tiktok từng vào "tầm ngắm"
Đây không phải lần đầu lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra đột xuất kho hàng của các hot Tiktok, Facebook. Trước đó, các đơn thuộc Tổng cục Quản lý thị trường cũng đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc tương tự. Điển hình như vụ kiểm tra kho hàng nằm trong Khu đô thị Đô Nghĩa thuộc phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội. Kho hàng này thuộc về một người nổi tiếng trên các nền tảng Facebook, Tiktok Mailystyle.
Thời điểm bị xử lý, tài khoản này có hàng trăm nghìn lượt theo dõi trên Facebook và hàng triệu lượt theo dõi và thích trên Tiktok. Đáng chú ý, trong phiên livestream có sự theo dõi của lực lượng Quản lý thị trường, còn có sự xuất hiện của một số Tiktoker sở hữu hàng trăm nghìn lượt follow như Pew Pew, Hứa Phương Ngân,… tham gia giới thiệu, bán sản phẩm. Vụ việc sau đó đã được chuyển sang cơ quan điều tra.
Hay như trước đó, lực lượng Tổng cục Quản lý thị trường đột xuất kiểm tra khu vực livestream bán hàng mang tên Ngọc Quyên Shop tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai.
Tại đây, lực lượng chức năng ghi nhận lượng lớn hàng hóa sản phẩm như nước hoa Gucci, Tom Ford, YSL, Chanel, Louis Vuitton, Dior, Boss, Sauvage, Lancôme, Kilian….; giầy, dép, túi, ví các thương hiệu Louivuiton, Chanel, adidas, Nike; Mỹ phẩm các nhãn hiệu Vaseline, Bioderma; các loại thực phẩm chức năng giảm cân cấp tốc trong vòng 7 ngày cùng hàng loạt các mặc hàng là đồ gia dụng, tiêu dùng đều là hàng trôi nổi.
Theo Lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường, việc kiểm tra, kiểm soát hàng hóa trên các nền tảng Thương mại điện tử đang được toàn lực lượng Quản lý thị trường tăng cường triển khai, thực hiện nhằm thực hiện có hiệu quả Đề án chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trên thương mại điện tử đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Đề án 319).
Trong thời gian qua, nhiều vụ việc nổi bật kinh doanh hàng hóa vi phạm trên các nền tảng thương mại điện tử như Tiktok, Facebook đã được lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra, xử lý chứng tỏ sự vào cuộc mạnh mẽ và quyết liệt của lực lượng Quản lý thị trường, thể hiện quyết tâm không có vùng cấm trong xử lý kinh doanh hàng hóa vi phạm.