Năm 2021, bên cạnh sự sôi động của thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu cũng ghi nhận sự tăng trưởng tốt và trở thành một kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng đối với nền kinh tế. Trong đó, thị trường trái phiếu Chính phủ (TPCP) tiếp tục phát huy vai trò huy động vốn cho ngân sách Nhà nước và đầu tư phát triển với giá trị huy động được là 325.467 tỷ đồng, lãi suất giảm trên tất cả các kỳ hạn, thanh khoản trên thị trường thứ cấp tăng lên mức cao nhất trong 10 năm qua.
Trên thị trường thứ cấp, quy mô niêm yết thị trường TPCP tại HNX đạt 1.486.700 tỷ đồng, tăng 9,62% so với cùng kỳ năm 2020.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) cũng sôi động trong 11 tháng đầu năm. Riêng thị trường trong nước, đã có 791 đợt phát hành, với giá trị phát hành thành công đạt hơn 473.230 tỷ đồng, tương đương tăng 35,81% so với năm ngoái. Còn tại thị trường nước ngoài, trong 11 tháng đầu năm có 4 đợt phát hành TPDN thành công tại với giá trị 1.425 triệu USD.
Trước diễn biến trên, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường (UBCKNN) cho biết, sự ra đời của Luật chứng khoán 2019 và Luật doanh nghiệp 2020 đã tạo nền tảng rất quan trọng cho thị trường TPDN phát triển. Cùng với cơ chế giám sát, cơ chế giao dịch rõ ràng, minh bạch thì thị trường TPDN sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới cả về chất và lượng.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Trần Việt Hưng, Phó Tổng Giám đốc CTCK Vietcombank (VCBS) nhận định quy mô thị trường TPDN đã tăng trưởng rất mạnh trong thời gian qua, sự quan tâm của nhà đầu tư ngày càng nhiều bởi không chỉ nhà đầu tư chuyên nghiệp mà nhà đầu tư cá nhân cũng đã tìm hiểu và phân bổ nguồn tiền nhàn rỗi.
“Trong năm 2022, tôi đánh giá thị trường TPCP sẽ dịch chuyển cơ cấu theo hướng tích cực còn thị trường TPDN, trong nửa đầu năm sau có thể sẽ chững lại để thích ứng với các văn bản hành lang pháp lý mới”, ông Trần Việt Hưng dự báo.
Tương tự, ông Trần Hải Hà, Tổng giám đốc MBS cũng đánh giá thị trường trái phiếu là thị trường cần thiết, đáp ứng sự đầy đủ của thị trường tài chính tại Việt Nam.
Tại Talkshow Phố Tài chính, ở góc độ là nhà tổ chức, vận hành thị trường này, bà Vũ Thị Thúy Ngà, Phó Tổng Giám đốc Sở GDCK Hà Nội (HNX) cho biết, trong năm 2021, thị trường TPCP tiếp tục đà duy trì phát triển ổn định, lãi suất bình quân trên toàn thị trường khoảng 0,56%. Về giao dịch thứ cấp, giao dịch hàng ngày trên thị trường cũng đạt mức cao nhất trong vòng 10 năm trở lại.
“Trong năm vừa qua, để tăng khả năng huy động vốn cho ngân sách, HNX đã phối hợp với Kho bạc Nhà nước nhằm đưa ra công cụ mua lại trái phiếu trước kỳ hạn bằng nguồn ngân sách nhàn rỗi, đồng thời thực hiện phương thức đấu thầu đa giá để tăng thêm sức cạnh tranh cho các nhà đầu tư tham gia trên thị trường”, bà Vũ Thị Thúy Ngà nói.
Với thị trường TPDN, theo bà Vũ Thị Thúy Ngà, thị trường này đã có sự bùng nổ trong thời gian qua với tỷ lệ phát hành thành công lên tới gần 800 đợt chiếm đến gần 500.000 tỷ đồng các đợt phát hành ra thị trường. Cho đến thời điểm hiện tại, thị trường này được các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm, tuy nhiên có đến 99% là nhà đầu tư trong nước còn nhà đầu tư ngoại rất ít.
“Trong năm 2022, chúng tôi sẽ tiếp tục mục tiêu đảm bảo thị trường TPCP giao dịch an toàn, hiệu quả như những năm qua, đồng thời cải tiến các công cụ để huy động vốn của ngân sách nhà nước cũng như giao dịch của các thành viên được thuận lợi và hiệu quả nhất", bà Vũ Thị Thúy Ngà cho biết.
Còn đối với thị trường TPDN, bà Ngà cho biết HNX sẽ hoàn thiện các văn bản pháp lý liên quan, trong đó có sửa đổi Nghị định 153 và hoàn thiện cổng thông tin về chuyên trang TPDN.
“Chúng tôi dự kiến sẽ giao dịch tập trung trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, từ đó giúp nhà đầu tư có lượng thông tin đầy đủ, chính xác và hiệu quả. Theo kế hoạch, thị trường TPDN riêng lẻ sẽ được ra mắt vào cuối năm 2022, chúng tôi mong muốn các tổ chức tín nhiệm sẽ cùng tham gia để có thể đưa những hàng hóa có chất lượng tốt nhất lên thị trường”, lãnh đạo HNX thông tin thêm.