Quốc đảo này ở phía nam biển Caribbe, cách Venezuela khoảng 64 km về phía bắc. Curacao được tạo nên từ hai hòn đảo dù một đảo không có người sinh sống. Diện tích tổng cộng của Curacao là 443km vuông, theo World Atlas.
Thổ dân Arawak là những người đầu tiên định cư trên đảo. Các nhà nghiên cứu tin rằng họ di cư từ các khu rừng ở Nam Mỹ tới đây. Những người châu Âu đầu tiên thấy và tiếp xúc với thổ dân trên đảo vào năm 1499 là người Tây Ban Nha. Người Tây Ban Nha bắt thổ dân Arawak và buộc những người này làm nô lệ. Thực dân Hà Lan bắt đầu tới Curacao vào năm 1634 sau khi Hà Lan giành độc lập từ Tây Ban Nha.
Giữa thế kỷ 18 và 19, quyền thực dân chuyển từ Hà Lan sang Anh, Pháp và chuyển lại nhiều lần. Người Hà Lan đã chấm dứt chế độ nô lệ trên hòn đảo này vào năm 1863. Sau khi tìm được dầu, công ty dầu Shell của Hà Lan đã lập nhà máy tinh chế tại đây vào năm 1915, đưa thêm nhiều người di cư từ các quốc gia khác tới đảo này.
Năm 1954, đảo Curacao được quyền tự trị. Năm 2010, Curacao trở thành một phần của Vương quốc Hà Lan, được Hà Lan bảo vệ và đi theo chính sách ngoại giao mà Hà Lan đề ra.
Dân số Curacao hiện vượt quá 150.000 người. Tiếng Hà Lan, Anh và Papiamentu là các ngôn ngữ chính thức của quốc đảo này. Theo đó, tiếng Hà Lan được dùng trong kinh doanh, tiếng Papiamentu là ngôn ngữ nói chính.
Nhiều cư dân của Curacao có đời sống cao nhờ nền kinh tế phát triển của đảo này. Một số ngành công nghiệp lớn trên đảo gồm dự trữ và lọc dầu, dịch vụ vận chuyển đường biển, các dịch vụ tài chính quốc tế, thương mại quốc tế. Đối tác thương mại chính của đảo là Mỹ, Venezuela và Liên minh châu Âu. Du lịch cũng là phần đóng góp lớn cho kinh tế.
Hàng năm, Curacao đều đón nhiều du khách, chủ yếu là từ Mỹ, Mỹ La tinh, Hà Lan và các đảo khác ở biển Caribbe. Thị trường du lịch bằng tàu biển của quốc đảo này phát triển mạnh trong những năm gần đây và hiện Curacao là nước đi đầu về lĩnh vực này ở khu vực biển Caribbe.