Bạn là doanh nhân, bạn là nhân viên, lãnh đạo một công ty, một doanh nghiệp hay làm việc tại một cơ quan, tổ chức nào đó, hay bạn là một người dân bình thường... chắc bạn sẽ không thiếu những lần phải đi công tác xa, làm việc với các đối tác ngoại, hay đi du lịch đó đây.
Do vậy, việc tìm hiểu một số nét văn hóa đặc trưng tại một số quốc gia cũng không hề thừa. Có những lúc nào đó bạn sẽ cần tới. Không hẳn chỉ những doanh nghiệp mới có nét văn hóa riêng, mà nét văn hóa quốc gia chắc chắn sẽ ăn sâu trong mỗi con người và mỗi doanh nghiệp ở quốc gia đó.
Australia
Bạn có cuộc họp, buổi gặp gỡ hay thậm chí là một buổi hẹn hò với đối tác, bạn bè người Úc, hãy nhớ một điều – người Úc rất coi trọng sự đúng giờ. Vì vậy bạn nên giữ đúng lời hứa và đến đúng giờ. Chỉ một lần sai hẹn, niềm tin từ đối tác đối với bạn sẽ “đi tong” dù với bất kỳ lý do nào.
Một chi tiết nhỏ nữa, nếu bạn nhận được một bức thư/ giấy mời tham dự một buổi gặp mặt nào đó, trên thư mời có chữ “RSVP” và có ngày, thì hãy hiểu đây là 1 thư mời hỏi xem bạn có tham gia không – và phép lịch sự tối thiểu là bạn phải trả lời thư mời đó trước thời gian diễn ra sự kiện.
Thêm một điều gửi tới bạn, là người Úc rất hay dùng từ “Please!” khi muốn nhờ đến sự giúp đỡ của người khác, và nói “Thanks you!” khi muốn cảm ơn ai đó. Vậy hãy thường trực những câu nói này khi giao tiếp để tránh bị xem là bất lịch sự.
Đức
Người Đức cũng là một trong những quốc gia xem trọng sự đúng giờ - kể cả là việc sếp lớn gặp nhân viên cấp dưới. Và khi bạn là khách, bạn sẽ là người trao danh thiếp trước – và cũng nhớ rằng cần xem lại danh thiếp của đối phương trước khi bạn cất đi.
Người Đức lại rất chú trọng cách xưng hô lễ nghi – đây cũng là điểm đặc biệt trong văn hóa đặc trưng của người Đức. Ví dụ, 1 người có hàm học vị từ tiến sỹ trở lên thường được gọi cùng với tên, như là Tiến sỹ A, Giáo sư B. Đồng thời, người Đức cũng có thói quen gọi đầy đủ tên ghép của người đối thoại, các chức vụ chính như thưa Ngài Bộ Trưởng, hay cả thưa Bá Tước, thưa Tiến sỹ Bá Tước, thâm chí dài hơn thưa Giáo sư Tiến sỹ Bá Tước…
Một điểm khá đặc biệt, nếu ai đó giúp bạn mặc áo choàng, bạn không được từ chối cử chỉ đó – dù đó là 1 đối tác nữ lấy áo choàng hộ một nam nhân.
Và, khi được người Đức mời dự tiệc, hãy để ý rằng, bạn không nên ngồi xuống khi chưa được mời; cần ngồi đúng vị trí đã được sắp xếp; và ngày hôm sau bữa tiệc đó bạn đừng quên gửi một bức thư cảm ơn vì sự tiếp đãi.
Pháp
Với người Pháp, nụ hôn má chính là nét đặc trưng thú vị của người Pháp cả khi gặp và chia tay nhau với những người thân quen. Còn bình thường có thể là những cái bắt tay lịch sự. Do vậy, nếu một đối tác, bạn bè người Pháp có chủ động hôn má thì bạn cũng đừng ngại – bởi họ đang thể hiện thiện cảm với bạn.
Khi ăn với người Pháp, không múc thức ăn đến thìa cuối cùng, và đặc biệt đừng rời bàn ăn khi rượu của bạn còn trên nửa ly. Thêm một ý nữa, nếu người Pháp mời bạn đến nhà ăn, hãy đến kèm với 1 chai rượu vang cùng hoa hoặc 1 món quà nhỏ. Còn nếu người Pháp mang chai rượu vang đến nhà bạn dùng bữa, hãy dùng luôn chai rượu đó trong bữa ăn.
Nga
Đừng ngạc nhiên khi bạn đến nước Nga, vừa hắt xì xong liền nhận được 1 lời chúc mừng từ một người không hề quen biết đang đứng cạnh bạn bởi người Nga xem đó là điềm lành đang đến với bạn.
Ấn Độ
Người Ấn Độ xem cái bắt tay chặt là thiếu lịch sự. Trong đàm phán với người Ấn Độ, hãy tránh nói “không”, thay vào đó là những cụm từ thay thế như: “Chúng tôi sẽ cân nhắc”, “chúng tôi sẽ xem xét lại”…
Khi được người Ấn Độ mời ăn, cuối bữa ăn không nên cảm ơn gia chủ, bởi như thế được xem là sự sòng phẳng, là điểm chê trách đối với họ.
Mỹ
Khi gặp người Mỹ, việc bắt tay chào hỏi gần như là một nét văn hóa đặc trưng, dù là bắt tay nam giới hay nữ giới cũng vậy.
Đặc biệt, nếu bạn có dịp qua Mỹ, hãy nhớ rằng văn hóa “tip” là điều bắt buộc. Các nhà hàng ở Mỹ thường không tính tiền dịch vụ, và do đó khách hàng đều cần phải để lại tiền “tip”. Số tiền “tip” thông thường khoảng 15% đến 20% tổng số tiền thanh toán trên hóa đơn.
Nhật
Khác với Mỹ, bạn lại không nên đưa tiền “tip” ở Nhật. Và một điểm đặc biệt khác, khi vào nhà người Nhật, lúc vào nhà, khi cởi giày bạn cần quay mũi giày dép ra ngoài trước khi vào nhà, và dùng dép nhẹ đi trong nhà.