Dịch bệnh kéo dài vượt dự đoán đã tác động nặng nề tới doanh thu của ngành hàng không. Các hãng hàng không tư nhân kiến nghị được vay tái cấp vốn lãi suất 0% như Vietnam Airlines trong tối đa 3 năm hoặc được vay gói ưu đãi lãi suất 3-4%/năm. Đề xuất này được Hiệp hội doanh nghiệp hàng không đưa ra trong cuộc họp với ngân hàng nhà nước và các ngân hàng thương mại nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn cho các hãng hàng không chiều nay.
Tính đến giữa năm 2021, nợ ngắn hạn và nợ đến hạn phải trả của 3 hãng hàng không lớn nhất Việt Nam lên tới 36 nghìn tỷ đồng. Để giảm bớt gánh nặng chi phí, các doanh nghiệp mong muốn điều kiện hỗ trợ sẽ đơn giản hơn, không quá chặt chẽ về phương án kinh doanh khả thi, bởi dịch bệnh khiến ngành hàng không khó xác định được thời điểm phục hồi.
Ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng Vietnam Airlines, cho biết: "Cơ chế hỗ trợ tái cấp vốn hay vay vốn phải đảm bảo thực tế là hãng hàng không không có tài sản đảm bảo, đều thua lỗ lớn. Các hãng hàng không đều xây dựng phương án phục hồi nhưng tính chắc chắn không cao. Đây là khó khăn cho ngân hàng thương mại khi thẩm định hồ sơ".
Để đảm bảo an toàn khoản vay, quy định bắt buộc các ngân hàng phải xem xét phương án kinh doanh và khả năng trả nợ của doanh nghiệp. Vì thế, với các đề xuất của các hãng hàng không, nhiều ý kiến cho rằng cần có cơ chế hỗ trợ đặc thù được Quốc hội và Chính phủ cho phép.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc Vietcombank, nói: "Mặt bằng lãi suất cả ngắn và trung hạn hiện nay gần như không có margin, chênh mỏng, tính cả trích lập vào thì cho vay chỉ hỗ trợ là chủ yếu. Chúng tôi mong cần có hỗ trợ hơn về chính sách tài khoán, về thuế phí, cần đồng hành của cả chính sách tiền tệ và tài khóa cho doanh nghiệp".
Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ tạo điều kiện tối đa cho các hãng hàng không, điều chỉnh quy định về cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi phù hợp với thị trường. Đối với các giải pháp vượt thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước, sẽ phối hợp với các Bộ ngành trình kiến nghị lên Quốc hội và Chính phủ đề có cơ sở pháp lý thực hiện.