Chiều 15-6, tại Kiên Giang, UBND tỉnh này cùng Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn đồng tổ chức tọa đàm “Thị trường bất động sản Kiên Giang có gì mới?” nhằm tìm giải pháp kiểm soát, quản lý và định hướng phát triển phù hợp thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh Kiên Giang .
Ba nguyên nhân sốt đất ảo
Theo đại diện Sở TN&MT tỉnh Kiên Giang, thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh Kiên Giang hiện diễn ra rất sôi động, nhất là trên địa bàn huyện đảo Phú Quốc. Các nhà đầu tư, trong đó có không ít người đầu cơ với mục tiêu kiếm lời dẫn đến hiện tượng sốt đất ảo. Người mua đất phần lớn đến từ Hà Nội, TP.HCM và một số TP lớn khác.
Ông Nguyễn Xuân Lộc, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Kiên Giang, chỉ ra ba nguyên nhân chính dẫn đến sốt đất tại Phú Quốc. Một là không ít người đưa ra thông tin giả như điều chỉnh quy hoạch đất nông nghiệp sang đất thương mại dịch vụ, đẩy giá đất nông nghiệp lên cao. Hai là công tác thông tin, tuyên truyền, công khai quy hoạch, công bố dự án thu hồi đất đến người dân chưa đầy đủ, kịp thời khiến người mua thiếu thông tin, tiếp nhận nhiều thông tin giả. Ba là công tác thanh tra, kiểm tra về đất đai, xây dựng chưa được thực hiện thường xuyên; các vi phạm về đất đai chưa được xử lý nghiêm, kịp thời.
Còn theo ông Đào Trung Chính, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT), nguyên nhân chính khiến thị trường bất động sản tỉnh Kiên Giang nóng bất thường là do việc sử dụng công cụ về quy hoạch tại tỉnh chưa tốt. Thông tin quy hoạch chưa công khai, minh bạch dẫn đến tình trạng phân lô, bán nền tràn lan.
Hoạt động mua bán bất động sản ở Phú Quốc trở nên im ắng sau khi có tin "lùi" Luật Đặc khu. Ảnh: T.SƠN
Cần công khai quy hoạch
Trước tình hình mua bán đất đai trái pháp luật, đầu cơ đẩy giá đất gia tăng, ông Lộc cho biết Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh hai nhóm giải pháp chính. Trong đó, vấn đề tiên quyết là công khai quy hoạch sử dụng đất. Tập trung công khai quy hoạch đất phát triển nông nghiệp để người mua thấy không có cơ hội để chuyển sang đất phi nông nghiệp, đồng thời công khai các khu vực đất sẽ bị thu hồi cho các dự án đầu tư để người mua thấy không có cơ hội nhận chuyển nhượng. Ngoài ra, cấm mọi giao dịch đất không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, hướng đến mục đích ngăn ngừa tình trạng mua bán lòng vòng để thổi giá đất, phân lô tách thửa tràn lan. “Tuy nhiên, các giao dịch về quyền sử dụng đất hợp pháp vẫn được thực hiện theo quy định pháp luật” - ông Lộc nhấn mạnh.
4.578 là số hồ sơ giao dịch mua bán đất tại Phú Quốc trong quý I-2018, theo số liệu từ Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai Phú Quốc, tăng hơn 200% so với cùng kỳ năm ngoái. |
ông Lê Quốc Anh, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Kiên Giang, đề nghị khẩn trương hoàn thành việc lập quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị; nghiên cứu xây dựng chương trình phát triển đô thị cho từng địa phương làm cơ sở triển khai các dự án liên quan đến dự án bất động sản, công khai để mọi tổ chức, cá nhân được biết. Đồng thời tăng cường kiểm tra, thanh tra các tổ chức, cá nhân hành nghề kinh doanh bất động sản trên địa bàn.
Ông Đào Trung Chính cho rằng đối với Phú Quốc cần có bộ dữ liệu số về đất đai. Với nguồn dữ liệu số này chính quyền có thể cập nhật các thông tin về giá đất, chuyển nhượng cũng như giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai… “Có vậy tỉnh mới ngăn chặn được việc chuyển đổi quyền sử dụng đất, phân lô bán nền trái phép.
Ngăn chặn cán bộ đầu cơ đất đai
Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, cho rằng câu chuyện sốt đất là bình thường khi hạ tầng phát triển nhưng nếu sốt ảo là điều đáng lo. Cơn sốt đất tại Phú Quốc chắc chắn có yếu tố ảo. Trong đó, cán bộ quản lý tham gia vào đầu tư lướt sóng, người dân bị kéo theo, cũng là yếu tố khiến giá đất sốt ảo. Bởi vậy nên có các quy định chế tài các trường hợp cán bộ địa phương tham gia đầu cơ đất đai. Cần công khai thông tin quy hoạch lên một trang điện tử. Việc công khai, minh bạch thông tin quy hoạch, quyết định dự án... sẽ giúp ngăn chặn sốt ảo.
|