Ngay trong mùa dịch, nữ ứng viên 26 tuổi đề nghị mức lương tháng phải sẻ ít nhất từ 30 triệu đồng. Với nhiều lợi thế, cô vẫn trúng tuyển.
Ứng viên đòi lương cao gấp 3 lần
Anh Lê Quốc Bảo, phụ trách nhân sự mảng tuyển dụng một sàn thương mại điện tử, chia sẻ về tình huống nhân sự "hét" lương 30 triệu đồng, gần gấp 3 lần so với mức công ty đưa ra ngay trong mùa dịch Covid-19.
Đơn vị này đang cần nhiều nhân sự làm việc tại nhà thông qua hình thức trực tuyến khi nhu cầu mua sắm online tăng mạnh. Họ tuyển dụng nhiều vị trí, như: nhân viên kinh doanh sàn thương mại, nhân viên giám sát, bộ phận hậu mãi, chăm sóc khách hàng...
Mặt bằng chung, mức lương khởi điểm được công ty công khai trong bản tin tuyển dụng là 8-12 triệu đồng tùy công việc, vị trí.
Trong quá trình phỏng vấn online, một nữ ứng viên đã chủ động đề cập đến vấn đề lương. Vị trí ứng tuyển là nhân viên kinh doanh mức lương công khai là 12 triệu đồng nhưng cô gái đề nghị mức lương mong muốn thấp nhất là 30 triệu đồng. Nếu không, cô xin phép chối nhận việc.
Sau khi cân nhắc, tìm hiểu, anh Lê Quốc Bảo là người trực tiếp liên lạc với cô gái để báo trúng tuyển, cô đã làm việc cho công ty từ giữa cuối tháng 6 vừa rồi.
Theo anh Lê Quốc Bảo, cô gái tốt nghiệp một trường đại học ở TPHCM, từng làm việc cho một nhãn hàng và trung tâm tiếng Anh. Cô am hiểu, có kiến thức về thị trường, kinh tế, tài chính, có những bài viết rất chuyên sâu về lĩnh vực. Bản thân có kế hoạch, mục tiêu rất rõ ràng, nghiêm túc với công việc, cuộc sống.
Đặc biệt, cô gái còn có một gian hàng kinh doanh hạt điều, cà phê sạch ngay trên sàn của công ty. Do vậy, với những chiến lược kinh doanh rất sáng tạo, táo bạo thật sự thu hút nhà tuyển dụng.
Cô tham gia nhiều hoạt động xã hội, tạo được kết nối và truyền cảm hứng được cho nhiều người. Cách đây một năm, cô gái nghỉ việc vì muốn tập trung thực hiện một dự án xã hội. Dự án xong xuôi, cô quay lại tập trung cho công việc.
Ngay trong quá trình phỏng vấn, cũng dễ dàng thấy được sự nghiêm túc, chuyên nghiệp và chủ động của ứng viên. Công ty cũng check thêm thông tin ở nơi cô từng làm việc đều nhận được phản hồi tích cực.
"Yếu đừng ra gió"
Chia sẻ nhận định về đãi ngộ nhân sự, chị Nguyễn Minh Diệp, quản lý tại một tập đoàn giáo dục ở TPHCM cho rằng việc nhân sự "hét" lương cao hơn so với mức của doanh nghiệp đưa ra là điều bình thường.
"Chỗ chúng tôi cũng đã không ít lần gặp ứng viên đề xuất mức lương cao hơn so với khung. Có trường hợp công ty chấp nhận và ngược lại, có người bị loại vì đòi lương cao", chị chia sẻ.
Chị Nguyễn Minh Diệp phân tích, ứng viên "đòi" mức lương cao thuộc 2 nhóm.
Một nhóm là nhân lực có giá trị, có năng lực, khả năng, kỹ năng và họ biết được giá trị của mình. Khi đề xuất mức lương họ cũng sẵn sàng đối diện với áp lực, với việc tạo ra giá trị, lợi nhuận cho công ty. Đây là những người mà các doanh nghiệp rất cần nhưng thật sự khó tìm.
Nhóm thứ 2 "hét" lương cao là những ứng viên không biết mình biết ta, không hiểu rõ năng lực của mình. Mất việc, thu nhập giảm là tình trạng chung của thị trường lao động trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Tuy nhiên, theo một chuyên gia tài chính tại TPHCM, ở trong bất cứ hoàn cảnh nào, càng lúc khó khăn, khủng hoảng thì các doanh nghiệp lại càng "khát" nhân lực chất lượng cao, có khả năng thích nghi, vượt khó.
Doanh nghiệp sẵn sàng tuyển một người làm được việc hơn là nhận 2-3 người làng nhàng. Họ chấp nhận trả mức lương tương xứng.
Anh Lê Quốc Bảo bày tỏ, ứng viên nếu tự tin ở bản thân, vào năng lực, giá trị của mình, trong quá trình ứng tuyển hãy mạnh dạn đề xuất mức lương phù hợp.
Các công ty đưa ra khung lương chung nhưng nếu nhân sự có năng lực, có khả năng thuyết phục, họ sẵn sàng trả cao hơn. Kiếm tiền không bao giờ là việc dễ dàng, lương cao luôn đi cùng kỳ vọng, đòi hỏi từ doanh nghiệp đối với ứng viên sẽ tăng lên.
Mức lương cao cùng lộ trình thăng tiến tốt chỉ dành cho những ai thật sự nghiêm túc đầu tư cho công việc, đáp ứng được yêu cầu, áp lực của công ty...
Cùng quan điểm với chị Lê Minh Diệp, anh Quốc Bảo khuyến cáo ứng viên "yếu đừng ra gió". Nhiều người không có năng lực, thiếu sự đầu tư, học hỏi, thiếu thái độ tích cực nhưng lại đầy ảo tưởng, chăm chăm đòi lương cao không những khó phát triển mà còn đang tự hủy hoại bản thân.
(Theo Dân Trí)