Tin chứng thư bảo lãnh, MobiFone mất gần 40 tỉ

05/06/2019 07:19
Người có thẩm quyền của ngân hàng đã làm chứng thư bảo lãnh khống để bị cáo chiếm đoạt tài sản của MobiFone, khiến MobiFone mất oan gần 40 tỉ đồng.

Mới đây, Công ty Dịch vụ MobiFone khu vực 2 (MobiFone KV2) đã kháng cáo đối với phần trách nhiệm dân sự gần 40 tỉ đồng mà TAND TP.HCM buộc công ty phải trả lại Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam - Techcombank. Đây là vụ án có nhiều vấn đề pháp lý liên quan đến chứng thư bảo lãnh (CTBL) gắn bó mật thiết đến hoạt động của nhiều ngân hàng và các doanh nghiệp vốn là khách hàng, đối tác của ngân hàng.

Chứng thư bảo lãnh thật nhưng… ngoài luồng

Trước đó, xử sơ thẩm vụ này, TAND TP.HCM đã tuyên phạt Trần Văn Quân (cựu giám đốc Phòng giao dịch An Lạc Techcombank) 12 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cùng tội này, Trần Văn Phước (cựu chuyên viên phòng Khách hàng Techcombank An Lạc) bị phạt tám năm tù; Trương Phú Cường (giám đốc Công ty CP TM DV Viễn thông Thìn Phát và phó giám đốc Công ty CP Eapay) 16 năm tù.

Theo cáo trạng, hai công ty do Cường làm giám đốc và phó giám đốc nhiều lần được Techcombank An Lạc nhận cấp CTBL để mua thẻ cào từ MobiFone KV2. Mọi giao dịch liên quan đến các CTBL này đều diễn ra suôn sẻ, bình thường. Đến cuối tháng 2-2012 thì Quân và Phước làm thủ tục, ký phát hành 26 CTBL khống (chứng thư thật nhưng không tài sản đảm bảo, không hạch toán trên hệ thống sổ sách kế toán của ngân hàng), tổng giá trị 57 tỉ đồng để mua thẻ cào trả chậm của MobiFone KV2…

Tại phiên tòa, Cường thừa nhận sử dụng CTBL khống do Quân và Phước phát hành để mua thẻ cào trả chậm và sử dụng phần lớn số tiền chiếm đoạt được từ MobiFone KV2. Quân thừa nhận ký phát hành CTBL khống, gia hạn chứng thư khống và ký xác nhận chứng thư khi MobiFone KV2 gửi văn bản yêu cầu xác nhận chứng thư khống, thừa nhận số tiền chiếm đoạt. Phước thừa nhận do là nhân viên cấp dưới nên soạn chứng thư khống theo chỉ đạo của Quân.

Tin chứng thư bảo lãnh, MobiFone mất gần 40 tỉ - Ảnh 1.

ngân hàng đã chuyển 39,9 tỉ đồng

Tháng 1-2013, Techcombank gửi đơn tố cáo Quân, Phước phát hành các chứng thư khống bảo lãnh cho hai công ty để chiếm đoạt gần 40 tỉ đồng của MobiFone KV2.

Sau đó, MobiFone KV2 nhiều lần yêu cầu Techcombank thực hiện nghĩa vụ thanh toán. Tuy nhiên, Techcombank cho rằng các CTBL do trưởng Phòng giao dịch An Lạc ký là không có giá trị pháp lý. Do đó, Techcombank không có nghĩa vụ thanh toán các CTBL này.

Tuy nhiên, tại cuộc họp ngày 20-9-2013, đại diện hai bên đã thương lượng, tìm được tiếng nói chung. Theo đó, văn bản do đại diện hai bên ký có nội dung: “Hai bên thống nhất rằng hành vi lừa đảo không chỉ xâm phạm đến tài sản hợp pháp của Techcombank và MobiFone mà còn làm thiệt hại uy tín của Techcombank, mối quan hệ hợp tác khách hàng chiến lược giữa hai bên, xâm hại đến sự ổn định về tín dụng. Techcombank có quyền yêu cầu cơ quan chức năng buộc những kẻ lừa đảo bồi thường cho mình”.

Thực hiện thỏa thuận này, ngày 11-10-2013, Techcombank chuyển cho MobiFone 39,9 tỉ đồng. Kế đó, MobiFone chuyển cho Techcombank 150 triệu đồng (là số tiền mà hai đại lý đã chuyển cho MobiFone) để tất toán cho Techcombank.

Quan điểm của VKS

Tại tòa, VKS nhận định rằng Quân ký 26 chứng thư khống, ký các công văn xác nhận tính hợp pháp của các chứng thư khống, đóng vai trò quyết định cho việc thực hiện tội phạm. Phước trực tiếp soạn thảo các chứng thư khống để trình Quân ký. Cường sử dụng các công ty để ký kết các hợp đồng, trực tiếp thực hiện hành vi chiếm đoạt.

Về trách nhiệm dân sự, VKS cho rằng do ý thức chiếm đoạt của các bị cáo là nhắm đến số tiền bán thẻ cào của MobiFone nên MobiFone là bị hại, các bị cáo phải bồi thường cho MobiFone. VKS cũng đề nghị MobiFone phải hoàn trả cho Techcombank 39,65 tỉ đồng mà Techcombank đã tạm chuyển cho MobiFone trước đó do thỏa thuận giữa MobiFone và Techcombank là trái pháp luật, chưa được sự đồng ý của các cổ đông của Techcombank. Theo VKS, việc Techcombank tạm chuyển trước cho MobiFone số tiền này là do quan hệ hợp tác chiến lược của hai bên và chờ sự phán quyết của cơ quan chức năng theo quy định của pháp luật.

Nhận định của tòa sơ thẩm

Nhận định về vụ án, HĐXX cho rằng các bị cáo biết rõ điều kiện để được mua thẻ cào trả chậm là phải có CTBL; biết rõ quy định của Techcombank về điều kiện để phát hành CTBL là bắt buộc phải có tài sản đảm bảo. Việc cấp bảo lãnh, cầm cố, thế chấp tài sản đảm bảo cho việc cấp bảo lãnh phải tuân theo thủ tục, hạch toán trên hệ thống phần mềm kế toán T24 của Techcombank.

Tuy nhiên, các bị cáo đã câu kết lập chứng thư khống, không có tài sản đảm bảo để mua thẻ cào trả chậm của MobiFone KV2. Các bị cáo biết rõ các chứng thư khống là không có giá trị pháp lý, không phát sinh nghĩa vụ bảo lãnh của Techcombank, Techcombank không có trách nhiệm thanh toán cho MobiFone KV2. Đây là hành vi gian dối để nhận được tài sản là thẻ cào của MobiFone KV2. Tổng giá trị tài sản các bị cáo chiếm đoạt là 57 tỉ đồng, các bị cáo đã khắc phục được 17,35 tỉ đồng, số tiền mất khả năng thanh toán cho MobiFone KV2 là 39,65 tỉ đồng…

Về trách nhiệm dân sự , HĐXX nhận định: Vì các chứng thư là do các bị cáo lấy danh nghĩa Techcombank Phòng giao dịch An Lạc lập khống, không có giá trị pháp lý, các bị cáo sử dụng làm công cụ để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thẻ cào của MobiFone. Do đó, có căn cứ xác định tài sản các bị cáo chiếm đoạt là của MobiFone chứ không phải của Techcombank. Theo Điều 144, Điều 145 BLDS 2005 thì Techcombank không phải thanh toán CTBL khống vì bị cáo Quân ký các chứng thư này vi phạm ủy quyền của Techcombank. Techcombank không có lỗi, không vi phạm các quy định trong việc quản lý hoạt động bình thường của mình.

Theo tòa, việc Techcombank chuyển tiền cho MobiFone liên quan đến 20 chứng thư khống là không có căn cứ, xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của các cổ đông. Do đó, HĐXX không chấp nhận yêu cầu của MobiFone về việc buộc Techcombank bồi thường số tiền bị chiếm đoạt. Từ đó, tòa tuyên MobiFone phải trả cho Techcombank 39,65 tỉ đồng.

Ý kiến của MobiFone KV2

MobiFone KV2 là đơn vị trực thuộc Tổng Công ty Viễn thông MobiFone, doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Mặc dù chúng tôi đã thực hiện đúng thủ tục xác nhận chứng thư nhưng không thể biết được các chứng thư bị câu kết lập khống. Do đó, Techcombank phải thanh toán các CTBL mà các bị cáo làm giả.

Trước đây, Techcombank đã nhận trách nhiệm và đã thanh toán cho MobiFone KV2. Đây là thỏa thuận dân sự giữa hai bên nên có giá trị pháp lý. Chúng tôi không bị thiệt hại gì nên không là bị hại. Đề nghị tòa giải tỏa lệnh phong tỏa tài khoản (39,65 tỉ đồng) của MobiFone KV2.

Lập luận của Techcombank

Các chứng thư khống được lập không có tài sản đảm bảo, không được hạch toán vào sổ sách kế toán, không được hạch toán trên sổ sách T24 của Techcombank nên không có giá trị thanh toán.

Trước đây Techcombank tạm chuyển 39,9 tỉ đồng là để hỗ trợ MobiFone KV2, duy trì mối quan hệ hợp tác giữa hai bên nhưng MobiFone KV2 hạch toán hết nợ đối với Techcombank là không đúng.

Tin mới

[Trên Ghế 16] Người sắp lập gia đình, đã có gia đình, tài chính 500-700 triệu nên mua xe gì?
3 giờ trước
Theo chuyên gia Đoàn Anh Dũng, việc lựa chọn xe cho từng đối tượng khách hàng phụ thuộc vào điều kiện tài chính và nhu cầu sử dụng của mỗi người, sau đó đến các yếu tố về thương hiệu và động cơ.
Đại chiến phá giá không thấy đáy giữa các hãng xe điện Trung Quốc tại Thái Lan: Hậu quả khôn lường
4 giờ trước
Việc phá giá bất chấp hậu quả của các hãng xe điện Trung Quốc tại Thái Lan đang gây ra nhiều hậu quả tai hại cho chính quốc gia này và buộc Đại sứ quán Trung Quốc tại Thái Lan phải lên tiếng.
Yamaha ra mắt xe ga mới siêu tiết kiệm xăng, màu tím cực cá tính, cốp rộng hơn Honda Lead
5 giờ trước
Yamaha tiếp tục khẳng định vị thế của mình trong phân khúc xe ga đô thị với phiên bản mới vừa được trình làng.
Ông nông dân trồng "loài cây quen thuộc" thu lãi nhẹ nhàng 2 tỷ đồng/năm
5 giờ trước
Trồng "loài cây quen thuộc" mỗi năm thu lãi hơn 2 tỷ đồng, ông nông dân Nguyễn Huỳnh Thanh ở Tân Định, Bình Dương đã tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động ở địa phương với thu nhập bình quân 10 triệu đồng/người/tháng.
Giá USD hôm nay 20/9: Bất ngờ tăng tỷ giá "chợ đen" lấy lại mốc 25.000 đồng
6 giờ trước
Giá USD hôm nay 20/9: Trong nước, tỷ giá "chợ đen" bất ngờ tăng 65 đồng ở cả 2 chiều so với cùng thời điểm ngày hôm qua, lên mức 24.965 - 25.065 VND/USD. Trái lại, tỷ giá USD/VND niêm yết tại các ngân hàng thương mại lại đồng loạt giảm.

Tin cùng chuyên mục

Giá USD hôm nay 19/9: Tỷ giá "chợ đen" lao dốc, bán ra dưới 25.000 đồng
1 ngày trước
Giá USD hôm nay 19/9: Trong nước, tỷ giá USD/VND niêm yết tại thị trường tự do bất ngờ "rơi" 50 đồng ở cả 2 chiều khiến chiều bán chính thức về dưới mốc 25.000 đồng. Hiện thị trường này đang niêm yết ở mức 24.850 - 24.950 VND/USD.
6 phút “chạm” may mắn trên điện thoại với Bingo18
2 ngày trước
“Vừa sáng mua vé dự thưởng, chỉ 6 phút sau đã biết mình trúng thưởng rồi thấy tiền về ngay, tinh thần của tôi rất phấn khởi”, chị Ngọc Bích - một người chơi xổ số Bingo18 chia sẻ.
Giá USD hôm nay 18/9: Tỷ giá "chợ đen" giảm, ngân hàng phục hồi
2 ngày trước
Giá USD hôm nay 18/9: Trong nước, tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do giảm 30 đồng ở cả 2 chiều, xuống mức 24.900 - 25.000 VND/USD. Ngược lại, tại các ngân hàng thương mại, tỷ giá niêm yết bắt đầu hồi phục khi đồng loạt tăng từ 50 đồng đến hơn 80 đồng so với ngày hôm qua.
Khủng hoảng Volkswagen: Nếu đóng cửa nhà máy sẽ khiến cả 1 thị trấn điêu đứng, 60.000 cư dân lo mất kế sinh nhai, chính Bộ trưởng phải vào cuộc
2 ngày trước
“Sẽ không có Wolfsburg nếu thiếu Volkswagen”, một nhân viên Volkswagen nói.