Thị trường đang trải qua những tin đồn lớn liên quan đến một một nhóm cổ phiếu có ảnh hưởng lớn trên thị trường chứng khoán đó là hệ sinh thái FLC. Về phía FLC, tập đoàn này cũng hoàn toàn im lặng trước tin đồn về ông Trịnh Văn Quyết. Bản thân ông Trịnh Văn Quyết trả lời trên truyền thông cũng chỉ phản hồi rất ngắn gọn "Tôi rất bận" thay vì phản bác tin đồn.
Thị trường phiên 28/3 đã ngay lập tức phản ứng với các tin đồn liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết, theo đó nhóm cổ phiếu thuộc hệ sinh thái FLC bị bán sàn số lượng lớn.
Trong phiên ATC, FLC dư bán sàn 92 triệu đơn vị, giá giảm xuống 13.600 đồng/cổ phiếu; ROS giảm sàn xuống 8.770 đồng/cổ phiếu, lượng dư bán sàn lớn tới 85 triệu đơn vị; ART giảm sàn xuống 10.300 đồng/cổ phiếu, số lượng dư bán sàn đạt trên 7,6 triệu đơn vị; KLF bị bán sàn xuống 6.400 đồng/cổ phiếu, lượng dư bán sàn 20,8 triệu đơn vị; cổ phiếu HAI giảm sàn xuống 6.320 đồng/cổ phiếu, dư bán sàn hơn 12,8 triệu đơn vị; AMD giảm sàn xuống 6.650 đồng/cp, dư bán sàn gần 13 triệu đơn vị...
Tổng lượng dư bán sàn và dư bán tại phiên ATC của cổ phiếu hệ sinh thái FLC phiên 28/3 lên tới hơn 230 triệu đơn vị. Đây là lượng dư bán sàn quy mô lớn, đạt mức kỷ lục của sàn chứng khoán trong suốt 20 năm thị trường đi vào hoạt động. Cổ phiếu ngân hàng, bất động sản, chứng khoán…đồng loạt mất giá khiến cho VN-Index mất 15 điểm phiên 28/3.
Có thể mức độ ảnh hưởng của tin đồn là cực kỳ lớn trên thị trường chứng khoán. Trong tin đồn, tuỳ thuộc diễn biến của thị trường có thể một bên được lợi, một bên mất mát. Vậy nhà đầu tư cần hành động thế nào trong một thị trường tràn ngập tin đồn?
Trong quá khứ, tin đồn mang đến cơ hội mua cổ phiếu giá trị với giá rẻ
Thực tế tin đồn là một đặc sản trên thị trường chứng khoán. Trong lịch sử của thị trường chứng khoán Việt Nam cũng không phải lần đầu tiên có tin đồn các vị lãnh đạo bị bắt.
Trước đó, năm 2013 khi xuất hiện tin đồn ông Trần Bắc Hà lúc đó là Chủ tịch Ngân hàng BIDV bị bắt. Tin đồn được tung ra đúng lúc với tin đồn Ngân hàng Nhà nước phá giá tiền đồng 2-3% đã khiến thị trường chứng khoán lao dốc mạnh, hàng loạt cổ phiếu bị bán tháo mạnh. Sau đó BIDV đã bác bỏ tin đồn, cho biết đó là thông tin bịa đặt với dụng ý xấu nhằm mục đích trục lợi.
Sự kiện này làm thị trường giảm từ 494 điểm về khoảng 462 điểm ( -6,6% ) trong khoảng 1 tuần nhưng ngay sau đó thị trường đã tạo đáy tăng một mạch lên 515 điểm ( +10% ) trong 1 tháng.
Trong quá khứ, tin đồn, tin bất thường đều có ảnh hưởng ngắn hạn lên thị trường chứng khoán nhưng sau đó thị trường đều hồi phục
Hay như giữa năm 2012, sự kiện Bầu Kiên bị bắt, VN-Index giảm 52 điểm từ 437 điểm xuống 383 điểm trong vòng 1 tuần. Sau đó, thị trường đã đi lên bền bỉ kéo dài đến giữa năm 2013. Đầu năm 2013 VN-Index lại quay lại mốc 437 điểm đến giữa năm 2013 VNI đạt 529 điểm.
Ông Lynch Phan, Founder Công ty Tư vấn và đầu tư Take Profit Việt Nam cho rằng, tin đồn hay những thông tin bất thường mang tính đột ngột nhà đầu tư nên bình tĩnh đánh giá tác động của sự kiện liên quan đến cổ phiếu mà mình đang nắm giữ.
"Không phải ngành nào hoặc cổ phiếu nào cũng bị tác động tiêu cực bởi tin đồn. Giả sử tin đồn đó là sự thật thì nhà đầu tư nên cố gắng lượng hóa bằng con số để xem liệu nó sẽ tác động ra sao đến cổ phiếu đó hoặc nhóm cổ phiếu có liên quan.
Ví dụ như ảnh hưởng đến tình hình phát triển của doanh nghiệp thế nào, làm thiệt hại bao nhiêu đến tài sản, lợi nhuận của doanh nghiệp thời gian tới.
Còn có rất nhiều những cổ phiếu khác mặc dù không bị ảnh hưởng nhưng cũng bị bán tháo bởi tâm lý đám đông. Nhiều khi đó lại là cơ hội để chúng ta mua những cổ phiếu tốt với giá rẻ", ông Lynch Phan nói.
Chia sẻ trên trang cá nhân, ông Lâm Minh Chánh, Nhà sáng lập & Chủ tịch Trường đào tạo Quản trị kinh doanh BizUni cho rằng tin đồn mà đồn nhiều quá hoặc trong trường hợp tin đồn là thật thì sẽ ảnh hưởng đến giá cổ phiếu ngắn hạn song giá trị của doanh nghiệp tốt không suy chuyển và đây chính là dịp mua vào cổ phiếu tốt với giá rẻ.
"Danh mục cổ phiếu tốt đôi khi vẫn lên và xuống trong ngắn hạn theo tâm lý theo nhu cầu thị trường, nhưng sẽ đi lên trong dài hạn. Đầu tư dài hạn, đúng phương pháp, không ăn nhanh được các cú X% trong vài tuần vài tháng như các nhà đầu tư lướt sóng, mua bán theo tin đồn, phím hàng nhưng cũng không bị thua nhanh vào những dịp kiểu này. Danh mục dù cũng lên lên xuống xuống, nhưng đường dài sẽ tăng trưởng bền vũng ở mức 15% - 25%/năm", ông Lâm Minh Chánh viết.
Nhóm cổ phiếu hệ sinh thái FLC đứng ở vị trí nào trên thị trường chứng khoán?
So với quy mô thị trường hiện nay, sức ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu FLC về quy mô vốn hoá không còn nhiều như thời kỳ đỉnh cao năm 2018, tuy nhiên, xét về thanh khoản, nhóm cổ phiếu hệ sinh thái FLC vẫn đứng top đầu thị trường.
Với hơn 1,9 tỷ cổ phiếu lưu hành, trong năm 2021, giá trị khớp lệnh của cổ phiếu họ FLC lên tới gần 150.000 tỷ đồng, chiếm 2,4% giá trị toàn thị trường. Xét về giá trị giao dịch, hệ sinh thái FLC chỉ đứng sau HPG, VPB, TCB. STB và SSI do FLC có thị giá và vốn chủ sở hữu nhỏ hơn các đại gia trên.
Vốn hoá của nhóm cổ phiếu chỉ khoảng 23.000 tỷ đồng, mức rất nhỏ bé so với vốn hoá thị trường hiện nay tuy nhiên giá trị giao dịch lại hàng đầu thị trường. Hiện nay hầu hết các công ty chứng khoán đều không cấp margin cho các cổ phiếu hệ sinh thái FLC do đó những diễn biến của nhóm cổ phiếu này sẽ được khoanh vùng, tác động không lớn lên toàn thị trường.