Quảng cáo tín dụng đen ngang nhiên khắp mọi nơi. Ảnh: TTXVN
Tại Bình Dương, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng “đen” có xu hướng diễn biến phức tạp.
Đối tượng có nguy cơ cao vướng vào tín dụng “đen” chủ yếu là công nhân ở các khu trọ. Vì vậy, cơ quan chức năng đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ tài chính để công nhân không vướng vào tín dụng đen.
*Công nhân điêu đứng vì tín dụng “đen”
Tại các khu nhà trọ cho công nhân trên địa bàn tỉnh Bình Dương, những quảng cáo “cho vay tiền nhanh”, thủ tục đơn giản dán ở khắp nơi.
Công nhân chỉ cần có số điện thoại nơi cho vay, xác minh được công nhân thuê trọ ở đâu, làm việc tại công ty nào, quê quán là được vay ngay. Lãi suất có thể lên đến hơn 20%/tháng, gấp nhiều lần lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại.
Chị N.L.T.P đang làm việc tại một doanh nghiệp trên địa bàn thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương chia sẻ, thu nhập hàng tháng của hai vợ chồng chị trung bình khoảng 10-12 triệu đồng.
Số tiền này vừa đủ trang trải cuộc sống, trả tiền thuê nhà và nuôi hai con nhỏ. Tuy nhiên, khi con thứ 2 của chị bị bệnh cần chữa trị, do khó khăn, vợ chồng chị có vay 40 triệu đồng, lãi suất 10%/tháng.
Mỗi tháng, gia đình chị phải trả nợ 4 triệu đồng. Kinh tế đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.
Đối với anh C.D.H, (công nhân giày da tại Bình Dương), do chưa có gia đình nên lãi suất vay cao hơn hẳn người có gia đình và tính theo tuần.
Lúc gần Tết, anh được bạn giới thiệu chỗ vay nóng, anh vay 25 triệu đồng để gửi về cho gia đình vì anh mới đi làm, thưởng Tết chưa cao.
Tuy nhiên, lãi suất của anh là 1,6 triệu đồng/tuần. Anh chậm ngày nào là các đối tượng gọi đến công ty tìm anh qua số điện thoại bàn công ty và đe dọa nếu không trả sẽ báo công ty cho anh nghỉ việc. Khoảng 3 tháng, do tiền lãi/tháng quá cao, anh phải bán xe máy đi trả cho hết nợ và chuyển đổi công việc, chỗ trọ.
Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương, tính đến tháng 4/2019, trên địa bàn tỉnh tồn tại 3 công ty hoạt động "tín dụng đen", trên 400 cơ sở kinh doanh cầm đồ có biểu hiện cho vay, 300 đối tượng hoạt động cho vay đơn lẻ và 10 băng nhóm hoạt động cho vay, đòi nợ thuê.
Lợi dụng những khó khăn về tài chính của công nhân lao động, nhất là tại các khu công nghiệp, hoạt động cho vay "nặng lãi" diễn biến phức tạp.
Nhiều công ty, văn phòng không có chức năng tài chính nhưng “núp bóng” để hoạt động cho vay, cầm cố tài sản. Các thủ đoạn tinh vi như: có người tiếp thị, cò mồi, băng nhóm đòi nợ, thành lập doanh nghiệp gọi góp vốn và bỏ trốn…
Bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cho biết: Tỉnh Bình Dương có gần 2 triệu lao động, chủ yếu là lao động nhập cư nên phát sinh nhiều vấn nạn. Nhiều người đã vay tiền với lãi suất cao, không có khả năng thanh toán, bị đe dọa, đánh đập, phải nghỉ việc bỏ về quê, gây mất cân bằng trong cán cân lao động.
Để công nhân chuyên tâm vào công việc, tránh xa các nhóm "tín dụng đen", Liên đoàn Lao động tỉnh đã chủ động nắm chắc tình hình "tín dụng đen" trên địa bàn và tuyên truyền cho người lao động hiểu về tác hại, phương thức, thủ đoạn của "tín dụng đen" để cảnh giác và tránh xa.
Công đoàn các cấp đã hỗ trợ lao động khó khăn, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động...
*Giải pháp tài chính hữu ích cho người lao động
Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương yêu cầu các cấp Công đoàn chủ động, tích cực làm việc với ngân hàng, quỹ tín dụng, tự tạo nguồn quỹ cơ sở… để có thể tìm giải pháp giúp người lao động dễ dàng hơn trong việc tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi…
Ngoài ra, Liên đoàn Lao động phía Nam có Quỹ trợ vốn C.E.P, đồng hành với người lao động ở 34 chi nhánh tại các tỉnh, quận, huyện thuộc khu vực phía Nam.
Ông Đoàn Thế Lực, Giám đốc Chi nhánh C.E.P Thuận An, tỉnh Bình Dương chia sẻ: Cách làm của C.E.P là chủ động tiếp cận đến từng công nhân, người lao động thông qua tổ chức Công đoàn, đoàn thể xã hội và chính quyền địa phương để tìm hiểu nhu cầu vay vốn, tư vấn vay với mức lãi suất thấp.
Tại Bình Dương, hoạt động của C.E.P đã được triển khai trên địa bàn thành phố Thủ Dầu Một và các huyện, thị như Thị xã Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên, Bến Cát…
Đây là các địa bàn tập trung nhiều công nhân lao động đang làm việc. C.E.P có thể chia sẻ nỗi lo về tài chính cho người lao động.
Với lãi suất vay rất thấp, thủ tục nhanh gọn, mô hình hoạt động Tổ chức tài chính vi mô C.E.P khác với các tổ chức tín dụng khác là khuyến khích khách hàng gửi tiết kiệm kết hợp với quá trình hoàn trả vốn vay, tạo cho người vay có ý thức tiết kiệm, lãi vay luôn duy trì ở mức thấp.
Nhờ đó, khách hàng dự phòng khi khó khăn hoặc sau một thời gian vay vốn sẽ tích lũy được khoản tiền tiết kiệm lớn để thực hiện những công việc khác.
Tại Công ty cổ phần Thiên Nam, Khu Công nghiệp Đồng An, Bình Dương, từ năm 2010, công nhân công ty đã chung tay cùng Công đoàn, doanh nghiệp góp tối thiểu 1% tiền lương thành lập Quỹ hỗ trợ vay "nóng" cho công nhân khó khăn tại Công ty với tổng giá trị hơn 3 tỷ đồng.
Công nhân được vay số tiền từ 10 - 20 triệu đồng tùy trường hợp cần vay mà không cần thủ tục hay bị tính lãi suất.
Nếu ai không có nhu cầu vay, đến cuối năm sẽ được rút số tiền đóng góp về. Theo ông Trần Công Vinh, Phó Giám đốc kiêm Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần Thiên Nam, Quỹ hỗ trợ này được thành lập giúp công nhân tránh xa việc tiếp cận với "tín dụng đen".
Đây cũng là cách làm hiệu quả trong việc giữ chân người lao động của Công ty.
Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương đã có công văn chỉ đạo các cấp Công đoàn tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động tín dụng đen trong công nhân lao động.
Bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân cho hay, thời gian tới đây, các cấp Công đoàn tỉnh đã đề ra rất nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng này.
Một trong những giải pháp được Liên đoàn Lao động tỉnh xây dựng là hình thành “Quỹ hỗ trợ đoàn viên công đoàn, công nhân lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”.
Khi đó, công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn theo các tiêu chí cụ thể sẽ được hỗ trợ với mức tối đa tùy trường hợp để giải quyết khó khăn.
Đây là một trong số những nội dung cơ bản của đề án “Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn tỉnh Bình Dương trong tình hình mới” đã được Tỉnh ủy Bình Dương phê duyệt.
Cùng với việc ra mắt Quỹ, nhiều nội dung, phương thức hoạt động cũng được tổ chức Công đoàn tỉnh xây dựng với phương châm ngày càng đổi mới hiệu quả, thiết thực như việc xây dựng Đề án “chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên”, Đề án đổi mới hình thức, nội dung hoạt động "Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn Bình Dương" thành "Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ công nhân lao động”…
Qua đó, các cấp Công đoàn chung tay góp phần chăm lo tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần cho đoàn viên, người lao động, đồng thời, nâng cao nhận thức, hiểu biết của người lao động.
Ông Võ Đình Phong, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Bình Dương cho biết: Nhằm đẩy lùi tín dụng đen, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã hoàn thiện, bổ sung cơ chế, chính sách cho vay nói chung và cho vay tiêu dùng nói trên.
Ngân hàng khuyến khích mở rộng mạng lưới của các tổ chức cho vay tín dụng, bao gồm cả ngân hàng lưu động đến địa bàn vùng sâu, vùng xa để người dân được tiếp cận với dịch vụ ngân hàng; đẩy mạnh chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi với các hộ nghèo, đối tượng chính sách, công nhân lao động...
Ngân hàng phối hợp với địa phương đẩy mạnh truyền thông về các chương trình, chính sách tín dụng, cách thức vay vốn... để người lao động có thể sử dụng khi cần thiết.