Tăng trưởng tích cực ngay từ đầu năm
Số liệu trên trùng khớp với báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê vừa công bố cuối tuần qua: Tính đến thời điểm 18/6/2019, tổng phương tiện thanh toán tăng 6,05% so với cuối năm 2018; huy động vốn của các TCTD tăng 6,09%; tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 6,22%.
Đáng chú ý, theo Tổng cục Thống kê, con số tăng trưởng tín dụng trên cao hơn cùng kỳ năm 2018 chỉ tăng 6,1%. Điều quan trọng, cơ cấu tín dụng tiếp tục hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, còn tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được tăng cường kiểm soát.
“NHNN đã điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ. Các TCTD áp dụng lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay, đảm bảo an toàn tài chính”, Tổng cục Thống kê đánh giá thêm điều hành chính sách tiền tệ.
Với diễn biến tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng trong 6 tháng đầu năm, nhiều ý kiến nhận định, mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn Ngành năm 2019 ở mức khoảng 14% là hoàn toàn khả thi. Theo định hướng của NHNN các ngân hàng đã thực hiện trước thời hạn các quy định về hệ số an toàn vốn (CAR) tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN được ưu tiên chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn so với các ngân hàng khác.
Thực tế, một số ngân hàng trên đang tăng trưởng tín dụng khá tốt thậm chí kỳ vọng sẽ có cơ hội được nới thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được giao. Có ngân hàng đã sử dụng gần một nửa room tín dụng được giao như tại Vietcombank, đến hết quý I/2019, dư nợ tín dụng tăng hơn 6% so với hạn mức được giao cả năm là 15%. Trong khi tín dụng tại VPBank cũng đã tăng hơn 4,3% chỉ trong 3 tháng đầu năm. Đáng chú ý OCB tăng trưởng tín dụng đạt hơn 15% trong gần 6 tháng đầu năm nên nhà băng này đang xin NHNN tiếp tục nới room tín dụng...
Khó thay đổi mục tiêu tín dụng
Hiện cũng đã xuất hiện những lo ngại là nếu các ngân hàng đều được room tín dụng cao hơn mặt bằng chung có thể tăng trưởng tín dụng cao hơn so với mục tiêu đặt ra. Tuy nhiên, giới chuyên môn cho rằng, mức nới cũng sẽ không được nhiều đối với mỗi ngân hàng để đảm bảo không ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn Ngành trong 2019.
Theo quan điểm của TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, không nên lo lắng thái quá đối với việc NHNN có nới thêm room tín dụng cho một số ngân hàng hay không. Bởi NHNN đã tính toán kỹ khi cấp room tín dụng cho các ngân hàng nên không để vượt quá mục tiêu 14% mà cơ quan điều hành đặt ra từ đầu năm; trong đó có cân nhắc tới hệ số an toàn vốn. Nếu tín dụng tăng trong khi vốn chủ sở hữu, vốn điều lệ lại tăng trưởng không tương xứng thì chắc chắn hệ số CAR càng ngày càng mỏng đi, rủi ro là hiện hữu.
Là người trong cuộc, Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng cũng hiểu rằng, dù NHNN có nới room tín dụng cho ngân hàng nào, thì mục tiêu chung của cả hệ thống vẫn sẽ không thay đổi để đảm bảo các mục tiêu lớn hơn mà NHNN hướng đến như kiềm chế lạm phát…
“Nếu vì nới room mà NHNN thay đổi mục tiêu tăng trưởng tín dụng, tôi nghĩ NHNN sẽ không phê duyệt cho các ngân hàng. Chưa kể, trong quá trình thực hiện, NHNN có công cụ giám sát, tính toán cho phù hợp với các cân đối chung. Còn dư địa tăng tín dụng, NHNN mới cân nhắc nới room cho các NHTM”, ông Tùng chia sẻ thêm.
Bản thân các ngân hàng muốn nới room phải đảm bảo nhiều yêu cầu khắt khe của cơ quan quản lý, một CEO ngân hàng tiết lộ. Đơn cử, tình hình hoạt động chung, các chỉ số đảm bảo an toàn của ngân hàng phải đạt chuẩn theo quy định của NHNN. Tín dụng tăng trưởng vừa an toàn và phải đảm bảo đúng định hướng. Huy động vốn nhịp nhàng với tăng trưởng tín dụng chứ không có chuyện huy động vốn bằng mọi cách để cho vay...
Về phía cơ quan quản lý, ông Nguyễn Quốc Hùng thừa nhận, đến thời điểm này có một số ngân hàng xin nới room tín dụng, nhưng NHNN chưa chấp thuận cho ngân hàng nào. Bởi thực tế là các ngân hàng xin nới room vẫn chưa sử dụng hết room. Quan điểm của NHNN đối với tăng trưởng tín dụng là thận trọng, tiếp tục theo mục tiêu định hướng từ đầu năm. Nên việc nới room tiến hành rất thận trọng đảm bảo các cân đối chung không bị ảnh hưởng.
“NHNN đã phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng ngay từ đầu năm theo định hướng những ngân hàng áp dụng chuẩn Basel II sẽ được hạn mức tín dụng cao hơn mặt bằng chung. Những ngân hàng đủ vốn, nợ xấu thấp thì mức tăng trưởng tín dụng cũng ở mức tương đương với mức tăng trưởng chung của toàn Ngành. Còn ngân hàng nào không đảm bảo đủ vốn, nợ xấu cao thì không được tăng trưởng tín dụng thêm”, ông Hùng thông tin thêm.
Trong thời gian tới, để đảm bảo tín dụng tăng trưởng hiệu quả theo mục tiêu đặt ra cũng như hạn chế rủi ro nợ xấu, ông Hùng cho biết, NHNN tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp điều hành tín dụng trọng tâm như: điều hành tín dụng nhằm kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng đi đôi với nâng cao chất lượng, mở rộng tín dụng tập trung vào lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu Chính phủ đề ra, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng và các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro…
“Các giải pháp xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ cùng với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh để góp phần nâng cao chất lượng tín dụng và giảm tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các TCTD”, ông Hùng chia sẻ thêm định hướng điều hành tín dụng của NHNN.