Dự thảo Thông tư 43 về hoạt động của công ty tài chính đang được Ngân hàng Nhà nước lấy ý kiến rộng rãi đã trở thành tâm điểm chú ý của thị trường suốt 2 tháng qua. Câu chuyện này lại được làm nóng thêm tại đại hội cổ đông của VPBank – ngân hàng đang sở hữu công ty tài chính lớn nhất hiện nay với 55% thị phần. Nóng, bởi lẽ trong vài năm qua, sự lớn mạnh của VPBank trên thị trường và bật lên top trên của nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân có sự góp công rất lớn của Fe Credit, nhưng năm nay, với kế hoạch siết chặt hơn hoạt động của các công ty tài chính từ phía cơ quan quản lý, nhà đầu tư có cơ sở để lo ngại VPBank sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều và có thể không duy trì nổi "phong độ" như các năm trước.
Cụ thể, cổ đông của VPBank đã chất vấn lãnh đạo ngân hàng rằng xu hướng đi chậm lại của mảng tín dụng tiêu dùng tác động thế nào đến kết quả kinh doanh của VPBank và ngân hàng làm sao để bù đắp phần thiếu hụt đó? Và rằng, dự thảo của NHNN về hoạt động của công ty tài chính (Thông tư 43 – PV), trong đó có nội dung siết chặt cho vay tiền mặt thì ảnh hưởng ra sao đến Fe Credit và công ty đã chuẩn bị cho tình huống này chưa?
Trước vấn đề này, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cho biết, khi thị trường đánh giá tốc độ chậm lại của ngân hàng là so sánh với kết quả tăng trưởng tín dụng tiêu dùng những năm trước. Với giai đoạn đầu, khi tín dụng tiêu dùng của Việt Nam còn chưa phát triển, chưa có nhiều đơn vị cung cấp các sản phẩm dịch vụ cho phân khúc này thì nhu cầu rất lớn, do vậy Fe Credit đã đạt được tốc độ tăng trưởng rất nhanh.
Ông Vinh cũng cho biết, theo phân tích của các chuyên gia thì cơ hội cho tăng trưởng của mảng tín dụng tiêu dùng hiện nay ở Việt Nam vẫn còn rất lớn. Tuy nhiên với quy mô hiện tại của Fe Credit với số khách hàng đã tới gần 10 triệu người, trong đó các khoản vay đang còn tồn tại lên đến 4 triệu khoản vay, thì tốc độ tăng trưởng sẽ khó cao như giai đoạn đầu, song ông tin rằng tăng trưởng về số tuyệt đối vẫn tốt.
Ngoài ra, theo thời gian, quan điểm đối với tín dụng tiêu dùng cũng có những thay đổi. Trước đây người ta nghĩ rằng thị trường này dành cho những người có thu nhập thấp, không có điều kiện tiếp cận sản phẩm dịch vụ ngân hàng, do vậy các công ty tài chính là đơn vị cung cấp sản phẩm cho họ. Song hiện nay cho vay tiêu dùng đã mở rộng cả về hình thức lẫn khách hàng. Chẳng hạn hình thức phát hành thẻ tín dụng cho các phân khúc khách hàng được xếp vào cho vay tiêu dùng, số lượng thẻ tín dụng active của riêng VPBank chiếm khoảng 10% tổng số lượng thẻ tín dụng ở Việt Nam, đồng thời các hoạt động chi tiêu qua thẻ của ngân hàng này cũng đạt một tỷ trọng khá cao, xấp xỉ gần 20% trên thị trường. Vì vậy, định hướng của VPBank là tiếp tục phát triển cho vay tiêu dùng, đồng thời xác định Fe Credit và khối khách hàng cá nhân của VPBank tiếp tục là động lực chính để đạt được các mục tiêu tăng trưởng trong tương lai. Bên cạnh đó, VPBank cũng đẩy mạnh doanh thu từ các mảng khách hàng doanh nghiệp SME, doanh nghiệp có quy mô trung bình và lớn…để không bị phụ thuộc quá nhiều vào một mảng nào.
Trả lời về vấn đề tác động của Thông tư 43 đối với hoạt động của Fe Credit ra sao, lãnh đạo VPBank nhìn nhận, ngành tài chính tiêu dùng đã đóng góp chính cho sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam bằng cách thúc đẩy tiêu dùng trong nước, tài chính toàn diện, đầu tư nước ngoài và tạo việc làm..., trong khi ở cấp độ xã hội thì đưa ra các giải pháp thay thế tiến bộ để chống lại tín dụng đen theo chủ trương của Chính phủ hiện nay.
"Vì vậy chúng tôi tin rằng cơ quan quản lý sẽ xem xét đánh giá thích đáng đối với ảnh hưởng của bất kỳ chỉ thị nào trước khi đưa ra quyết định ban hành. Từ kinh nghiệm trước đây, chúng tôi tin rằng cơ quan quản lý sẽ thực hiện những điều cần thiết để tìm kiếm một giải pháp cùng có lợi cho tất cả các bên, đảm bảo sự kiểm soát, quản lý tốt các lĩnh vực rủi ro, triển khai được các kế hoạch đẩy lùi tín dụng đen theo đúng định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, cũng như đảm bảo sự duy trì tăng trưởng và ổn định của ngành" – lãnh đạo ngân hàng nói trước cổ đông.
Ông cho biết thêm, Fe Credit là một công ty tài chính lớn và đa dạng, cả về khía cạnh sản phẩm và phân phối, được hỗ trợ bởi nền tảng quản lý rủi ro và công nghệ mạnh mẽ, tạo lập từ một trong những đội ngũ quản lý tốt nhất trong ngành dịch vụ tài chính. Lãnh đạo ngân hàng cũng đã xem xét tác động sơ bộ và xác định một số các bước thực hiện trong trường hợp quy định mới được ban hành, để đảm bảo vẫn đạt kết quả như cam kết trong kế hoạch kinh doanh.
Trước đó như chúng tôi đã phản ánh, năm 2018 lợi nhuận của VPBank hợp nhất đạt hơn 9.200 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2017. Trong đó riêng ngân hàng mẹ đóng góp 5.100 tỷ (không bao gồm lợi nhuận từ công ty con chuyển về), cao hơn 31% so với thực hiện năm trước đó. Đối lập với sự tăng trưởng mạnh của ngân hàng riêng lẻ thì mức tăng trưởng của công ty con Fe Credit lại giảm sút, và mức đóng góp của công ty này vào lợi nhuận hợp nhất đã giảm từ trên 50% của các năm trước xuống còn khoảng 44%.
Năm 2019, VPBank đặt chỉ tiêu lợi nhuận 9.500 tỷ đồng, tăng 3% so với thực hiện năm 2018 (nếu không tính khoản thu nhập bất thường ghi nhận trong năm 2018 đến từ bảo hiểm thì tăng 13%). Ngân hàng không đặt chỉ tiêu cho cho công ty con hay ngân hàng riêng lẻ nhưng lãnh đạo nhà băng này vẫn tiếp tục coi Fe Credit là trụ cột phát triển.