Giữa ma trận của các hình thức cho vay tiêu dùng khác nhau, người tiêu dùng dường như rất khó để tìm 1 địa chỉ uy tín, tránh được bẫy tín dụng đen trá hình.
Muôn vàn hình thức cho vay tiêu dùng
Chỉ cần gõ google từ khóa “vay tiền”, sau 2 giây xuất hiện 168 triệu kết quả và muôn vàn hình thức cho vay tài chính khác nhau với nhiều câu tiếp thị hấp dẫn: Từ cho vay chỉ cần CMND, vay không cần chứng minh thu nhập, vay trong ngày xuất hiện, chạy quảng cáo hàng loạt trên các trang mạng... tất cả đều cam kết thủ tục đơn giản, tiền tươi trao tay.
Hiện nay, bên cạnh các tổ chức như ngân hàng, không khó để tìm 1 đơn vị cho vay nhưng đâu là địa chỉ đáng tin cậy lại là 1 ma trận đầy thách thức với người vay.
Song các quy định và thủ tục của ngân hàng là 1 rào cản khó khăn cho người lao động tự do, tiểu thương buôn bán nhỏ lẻ … khi đa phần họ khó chứng minh được thu nhập nhưng cần dòng vốn linh động trong ngắn hạn, không mất quá nhiều thời gian và thủ tục.
Bên cạnh đó, nhiều người dân không có tích lũy, khi cần tiền gấp cho những nhu cầu như khám chữa bệnh, xoay vốn, sửa nhà, đóng học phí... đa số sẽ tìm đến các kênh cho vay ngắn hạn trên thị trường. Tuy nhiên, khi quyết định vay tiền, người tiêu dùng lưu ý lựa chọn nơi ‘xoay’ tiền thật uy tín.
Tìm hiểu vay vốn tại 1 công ty cho vay tiêu dùng, mức lãi suất rất rõ ràng trên website dao động từ khoảng 3% đến 4,58%/tháng (tương đương 36% - 55%/năm) tính trên dư nợ gốc thực tế trên cơ sở 365 ngày. Tuy nhiên, khi liên hệ trực tiếp với nhân viên thì sẽ bắt buộc khách hàng mua thêm bảo hiểm người vay, rơi vào tầm 5% trên tổng hạn mức vay. Như vậy tổng chi phí phải trả lên đến 8 – 9,58%/ tháng.
Không dừng ở lãi suất, nếu lỡ vay tiêu dùng tại các đơn vị không minh bạch hiện nay, khách hàng dễ bị ám ảnh bởi những pha tra tấn nhắc nợ làm phiền, thậm chí là hăm dọa cả người thân gây hoang mang và ảnh hưởng tâm lý.
Bên cạnh đó, trên thị trường vẫn còn hình thức cho vay qua cầm đồ tồn tại khắp các khu chợ, khu dân cư. Thử đặt vấn đề vay tiền tại một hàng cầm đồ, sau khi thống nhất phương án cầm cố tài sản, chủ tiệm kiểm tra tình trạng chiếc xe SH chủ hàng chốt: “Với Honda SH125i đời 2015 này, anh cho em vay được 30 triệu thôi”.
Chấp nhận hạn mức vay này, khách được ký hợp đồng vay cầm đồ. Nói là hợp đồng nhưng thực chất đây chỉ là một tờ giấy hẹn ký tay giữa 2 bên. Tuy nhiên, nó vẫn đầy đủ điều khoản về bên cho vay, người vay, số tiền vay, tài sản cầm cố, các điều khoản cam kết…
Nếu tính theo lãi suất cửa hàng cầm đồ công bố, nếu cầm chiếc SH vay vốn, khách sẽ chịu lãi 1.800 đồng/triệu/ngày, tương đương lãi suất 5,4%/tháng, và 64,8%/năm. Như vậy, vay 30 triệu sau một tháng khách sẽ phải trả khoảng 1,62 triệu đồng tiền lãi.
Lãi suất không cao như hình thức vay tiêu dùng khác, nhưng khi thấy các cơ sở hoạt động, kho bãi lưu trữ tài sản… cộng với các thủ tục quá chóng vánh khiến cho khách hàng vô cùng e ngại.
Cầm đồ lên đời…
Khi thị trường tài chính tiêu dùng phát triển, nhiều chuỗi cầm đồ đã chuyên hóa hoạt động cho vay để tham gia thị trường. Tại 1 chuỗi cầm đồ lớn với 20 chi nhánh trên khắp Sài Gòn khi đề nghị cầm cố chiếc xe SH để được vay số tiền tối đa cửa hàng có thể giải ngân. Qua điện thoại, nữ nhân viên tư vấn tôi có thể vay đến 45 triệu đồng, tùy tình trạng xe khi định giá thực tế có thể chênh lệch ít nhiều.
Nhân viên cũng cho biết mức lãi suất tôi phải chịu khi vay tiền qua hệ thống bao gồm lãi suất cho vay 1% nếu vay 1 tháng, cộng thêm phí lưu trữ quản lý tài sản, được miễn phí bảo hiểm. Nếu vay trong thời gian ngắn thì tổng lãi phí chỉ rơi vào 2%/ lần vay và không phải chịu phí phạt như các đơn vị tài chính khác. Nếu tôi vay 10 triệu tức tôi chỉ trả 200 ngàn đồng chi phí phát sinh.
“Khi đi, anh mang theo giúp em chứng minh nhân dân và các giấy tờ có liên quan đến chiếc xe. Các cửa hàng bên em hỗ trợ tới 19h hàng ngày, bất cứ khi nào anh qua đều có thể vay tiền”, nhân viên tư vấn nói. Nhân viên này cũng không quên cam kết thời gian giải ngân sẽ không quá 15 phút nếu giấy tờ tài sản pháp lý đầy đủ.
Sau một ngày, tôi mang chiếc xe của mình qua cửa hàng cầm đồ gần nhất tại con đường Phan Đăng Lưu – Sài Gòn. Do đã liên lạc trước, cửa hàng đã có sẵn thông tin cá nhân. Công việc khi đến cửa hàng là kiểm tra tình trạng tài sản, giấy tờ pháp lý. Ngay sau đó, tôi được mời vào làm hợp đồng cho vay, sau khoảng 10 phút nhân viên báo tôi có thể vay được tối đa 45 triệu.
Hoạt động khá chuyên nghiệp và nhanh chóng nơi đây khiến khách hàng bất ngờ khi vẫn giữ cảm giác đi vay tiệm cầm đồ. Với chuyển đổi này, nhiều chuỗi cầm đồ đã lên đời, không còn là những cửa hiệu "bí ẩn", phòng giao dịch của chuỗi cầm đồ được trang bị theo tiêu chuẩn chuỗi bán lẻ, biển hiểu nổi bật, có đội ngũ nhân viên tư vấn tư vấn chi tiết cho khách hàng về các khoản vay phù hợp với nhu cầu và khả năng thanh toán...
Ngoài ra, để đảm bảo yên tâm cho khách hàng, tất cả các tài sản khi cầm cố tại các Chuỗi cầm đồ ngày nay đều được niêm phong, bảo quản tại kho lưu giữ tài sản với camera giám sát 24/24 cùng hệ thống kho bãi đạt chuẩn PCCC.
Theo chuyên gia từ Vietmoney, hiện nhiều chuỗi cầm đồ hiện đại còn tiếp cận khách hàng qua nhiều hình thức như online, website hay App. Theo đó, khi khách đăng ký sẽ được định giá và tiến hành giải ngân ngay trong 30 phút.
Có vẻ, với sự lên đời của mình, chuỗi cầm đồ với sự linh hoạt và hiểu rõ khách hàng bản địa đang có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường, cho người cần tiền gấp với khoản vay nhỏ, muốn “vay nhanh có ngay”.
Mai Bình