Đã kiểm soát chặt tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Văn Dành (đoàn Bình Dương) liên quan đến tín dụng vào chứng khoán, bất động sản, BT và BOT, Thống đốc cho biết việc cấp tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro trên đã được kiểm soát chặt chẽ.
Dư nợ tín dụng vào lĩnh vực chứng khoán tăng 1,7% so với đầu năm 2018 và chỉ chiếm tỷ trọng 0,36%.
Trong quản lý thị trường chứng khoán, Thống đốc Lê Minh Hưng cũng từng cho biết trước Quốc hội về vai trò của NHNN trong kiểm soát tín dụng, đảm bảo dòng tiền ổn định chảy vào thị trường này.
Thống đốc khẳng định đã kiểm soát chặt dư nợ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Ảnh: Quốc hội.
Đối với các lĩnh vực khác, tốc độ tăng cho vay cũng đã chậm lại. Dư nợ tín dụng kinh doanh bất động sản cuối tháng 8 năm nay tăng 5,2% so với đầu năm, thấp hơn mức tăng trưởng chung của toàn ngành và chiếm tỷ trọng 7,4%.
Trong khi đó, cùng kỳ năm 2017, tín dụng lĩnh vực này tăng 9,79% và chiếm 6,7% tổng dư nợ. Tín dụng lĩnh vực BT, BOT tăng 6,5%, chiếm 1,6% tổng tín dụng; trong khi cùng kỳ năm trước tăng trưởng 9% và chiếm 1,57%.
Thống đốc khẳng định NHNN đã thực hiện nhất quán chỉ đạo của Chính phủ và Quốc hội trong việc kiểm soát chặt chẽ lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, thông qua tăng hệ số rủi ro với bất động sản và kiểm soát tín dụng, tăng thanh tra và cảnh báo với các tổ chức.
Dự trữ ngoại hối tăng nhờ chuyển hóa nguồn lực ngoại tệ trong dân
Liên quan đến quản lý thị trường vàng, ngoại tệ và huy động nguồn vốn trong dân để đưa vào sản xuất kinh doanh, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết NHNN nhất quán định hướng của Chính phủ tạo lập môi trường vĩ mô ổn định, môi trường kinh doanh để người dân, doanh nghiệp yên tâm sản xuất, gửi tiền đồng Việt Nam thay vì giữ các tài sản như vàng, ngoại tệ.
Số lượng doanh nghiệp và lượng vốn đi vào sản xuất kinh doanh gia tăng. Cùng đó, lượng vốn vào thị trường chứng khoán và tiền gửi tăng lên, cho thấy các biện pháp thực hiện là nhất quán và đúng hướng. Tiền gửi bằng đồng việt Nam tăng mạnh, trong khi tiền gửi ngoại tệ giảm. Theo Thống đốc, một nguồn lực ngoại tệ lớn đã chuyển sang đồng Việt Nam.
“Minh chứng là dự trữ ngoại hối tăng mạnh thời gian vừa qua. Phần quan trọng đến từ chuyển hóa từ tài khoản tiền gửi bằng ngoại tệ của người dần”. Thống đốc cũng cho biết NHNN nhiều năm gần đây không cần tốn kém ngoại tệ để nhập khẩu thêm vàng nhưng vẫn đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Đối với quản lý sở hữu chéo, Thống đốc cũng khẳng định đã có bước tiến triển. Số cặp các tổ chức tín dụng trực tiếp sở hữu lẫn nhau giảm từ 7 cặp xuống 1 cặp. Số các ngân hàng sở hữu cổ phần doanh nghiệp giảm từ 5 trường hợp xuống còn 2.
Tiến độ giảm sở hữu chéo và thoái vốn còn phải phụ thuộc các yếu tố bên ngoài. Các ngân hàng và DNNN chọn thời điểm và giá phù hpwj để đảm bảo quyền lợi của Nhà nước. NHNN hiện đã yêu cầu các tổ chức tín dụng xây dựng lộ trình và phương án để xử lý dứt điểm năm 2020.