Với 5.210 ca nhiễm mới, tổng số ca nhiễm tại nước này đã tăng lên ít nhất 74.386, so với mức 69.176 một ngày trước đó. Tỉ lệ tăng 7,5% này được xem là thấp nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại Ý.
Số người thiệt mạng vì virus gây Covid-19 vẫn ở mức cao (thêm 683 người hôm 25-3) nhưng tỉ lệ tử vong đã giảm xuống mức 10%, thấp hơn nhiều so với mức 57% của thời điểm 8-3. Phó Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Ranieri Guerra nhận định đây là một tín hiệu "cực kỳ tích cực" và các biện pháp đang được Ý thực hiện là "hoàn toàn đúng đắn".
Theo Hội đồng Nghiên cứu quốc gia Ý, Covid-19 đã đạt đỉnh ở 57 trong tổng số 107 tỉnh của quốc gia này và "các biện pháp khống chế dịch bệnh đang cho kết quả mong muốn".
Cảnh sát kiểm tra hoạt động đi lại của người dân ở TP Molfetta - Ý hôm 25-3 Ảnh: REUTERS
Những số liệu nêu trên là bằng chứng mới cho thấy các biện pháp phong tỏa "kéo dài và đau đớn" nhằm làm chậm sự lây lan của virus sẽ phát huy hiệu quả. Trong suốt 2 tuần qua, nước Ý gần như bị đóng cửa hoàn toàn, hoạt động tụ tập nơi công cộng bị cấm trong khi phần lớn nền kinh tế rơi vào trạng thái đình trệ vô thời hạn.
Một số chuyên gia cho rằng Ý đang đi vào một cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong nhiều thế hệ. Dù vậy, đây vẫn là phương án mà chính phủ Ý cũng như nhiều quốc gia khác quyết định thực hiện để bảo đảm sự an toàn cho người dân, đặc biệt là khi dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu thuyên giảm sau khi cướp đi sinh mạng của hơn 22.000 người trên toàn thế giới.
Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Antonio Guterres hôm 25-3 nhấn mạnh dịch Covid-19 "đang đe dọa toàn nhân loại và toàn nhân loại phải chống trả". Tính đến ngày 25-3, theo AP, hơn 3 tỉ người trên khắp thế giới đang sống trong tình cảnh bị phong tỏa. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cùng ngày thúc giục các nước tận dụng thời gian phong tỏa để tìm và tấn công virus.