Thời gian qua, thông tin kiểm soát tín dụng vào bất động sản đã khiến thị trường đột ngột “quay xe” chững lại. Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VNREA) cho biết, nếu kiểm soát chặt chẽ vốn vào bất động sản, có thể doanh nghiệp sẽ phải dừng các hoạt động đầu tư, ảnh hưởng đến chủ đầu tư, lao động cũng như các ngành nghề liên quan.
Ngoài ra, khi một dự án được hình thành, các chủ đầu tư phải bỏ 50% vốn cho các thủ tục đầu tư, đóng thuế, chuẩn bị đầu tư, đền bù giải phóng mặt bằng…Giai đoạn hoàn thiện là 50% vốn còn lại, chủ đầu tư mới bắt đầu được huy động vốn. Các doanh nghiệp phải có nguồn vốn tự có từ 10 - 15%, sau đó mới là từ vay tín dụng, phát hành trái phiếu…và chỉ được huy động sau khi xong hạ tầng, nền móng. Như vậy, đây cũng là điểm khó cho doanh nghiệp. Một số dự án khi chưa nộp thuế thì chưa được cấp phép, như vậy khó mà chiếm dụng vốn hay nợ các tổ chức tín dụng.
“Không nên siết chính sách tín dụng mà thay vào đó là kiểm soát tốt với những dự án có vấn đề hoặc tình trạng đầu cơ, mua gom đất, thổi giá… Còn với các dự án minh bạch, đáp ứng đủ tiêu chí thì nên thúc đẩy, khuyến khích”, ông Đính nhấn mạnh.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, nếu việc kiểm soát tín dụng bất động sản được thực hiện không phù hợp, thị trường bất động sản chắc chắn sẽ tăng trưởng chậm lại. Thị trường thậm chí sẽ trầm lắng. Đây là điều rất đáng lo ngại vì thị trường bất động sản có vai trò cực kỳ to lớn, tác động mạnh tới sự phát triển của nền kinh tế.
“Chúng ta nên nhớ, phía sau bất động sản có khoảng 40 ngành, nghề sản xuất kinh doanh. Đây chính là mạch máu, là một trong những đầu tàu của nền kinh tế. Vì thế nếu bất động sản chậm phát triển, sẽ có hàng chục lĩnh vực bị kéo tụt lại, ảnh hưởng nghiêm trọng tới quá trình hồi phục kinh tế hậu Covid-19. Vì thế, đây là vấn đề các nhà quản lý cần phải xem xét cẩn trọng”, ông Thịnh nói.
Theo ông Thịnh không thể siết đại trà mà chỉ với những dự án có nguy cơ tài chính, chủ đầu tư không đáp ứng được năng lực thực hiện công trình hoặc dự án không phát huy hiệu quả và những nhà đầu cơ, kinh doanh chộp giật góp phần đẩy giá bất động sản trên thị trường.
Mặt khác, phải rõ ràng, không thể siết người đi vay mua nhà để ở, vì đó là nhu cầu chính đáng của người dân. Ngược lại, mọi người khi có nhu cầu mua nhà nhưng chưa đủ tiền phải được tạo cơ hội để vay với lãi suất phù hợp để an tâm sinh sống, nỗ lực làm việc. Điều này vừa tạo ổn định về an sinh xã hội vừa giúp đảm bảo duy trì được tình trạng kinh tế tốt. Đơn giản vì khi các gia đình đều hướng tới sự phát triển thì xã hội sẽ tăng trưởng.
Phát biểu tại Hội nghị Phát triển thị trường bất động sản an toàn, bền vững, lành mạnh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra các chỉ đạo rất cụ thể đối với từng bộ, ngành để hỗ trợ cho thị trường bất động sản phát triển bền vững, lành mạnh.
Thủ tướng nêu quan điểm kiên trì, kiên định, kiên quyết phát triển hệ sinh thái bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững. Đáng chú ý Thủ tướng nhấn mạnh: “Không siết chặt tín dụng một cách bất hợp lý, nhưng, phải tăng cường kiểm tra, giám sát; không buông lỏng quản lý Nhà nước”.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản, đảm bảo đồng bộ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh; Ngân hàng Nhà nước theo dõi, kiểm soát, cơ cấu lại tín dụng với lĩnh vực bất động sản theo hướng đảm bảo sử dụng đúng mục đích, tránh rủi ro cho thị trường, chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng tiếp tục cho vay đối với lĩnh vực bất động sản đảm bảo đúng quy định pháp luật, cho vay với các dự án bất động sản đầy đủ tính pháp lý, ưu tiên cho vay đối với các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân đã được cấp phép và khởi công xây dựng để tạo nguồn cung cho thị trường.
Hiện nay, nhu cầu đầu tư vào thị trường bất động sản đang tăng mạnh, không chỉ tiêu dùng mà cả kinh doanh, giao dịch. Từ những chỉ đạo của Thủ tướng tại hội nghị, có thể thấy đây là tín hiệu tích cực cho thị trường bất động sản.