Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) vừa có báo cáo về Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank – EIB).
Theo đó, mục tiêu của Eximbank trong ngắn hạn là tăng trưởng tài sản, tín dụng kết hợp với xử lý nợ xấu. Trong dài hạn, ngân đặt mục tiêu cho vay tăng trưởng trung bình 20%/năm, NIM duy trì mức 2,8% và tỷ lệ nợ xấu, bao gồm cả nợ bán cho VAMC giảm về mức 2,8% từ mức 6,41% hiện tại.
Năm 2017, ngân hàng ghi nhận mức cho vay tăng trưởng 16,61%, đạt 101 nghìn tỷ đồng. Sau giai đoạn dài từ năm 2014-6 tháng đầu 2017, cho vay gần như không tăng trưởng, thậm chí có thời điểm tăng trưởng âm, từ quý 3/2017, cho vay đã tăng trưởng trở lại. Trong đó, cho vay khách hàng cá nhân chiếm 48% cơ cấu danh mục cho vay của ngân hàng. Khối ngân hàng bán buôn hiện chưa mang lại lợi nhuận, ngân hàng bán lẻ vẫn là động lực tăng trưởng chính của ngân hàng.
Tài sản năm qua tăng trưởng 15,66%. Đây cũng đồng thời là mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2013, sau khi liên tục suy giảm từ 2013-2015 và chỉ tăng 3,17% trong năm 2016.
Tiền gửi của khách hàng tăng 14,84%. Các chỉ tiêu hoạt động tăng trưởng là nền tảng để ngân hàng giành lại thị phần và là cơ sở để tăng trưởng lợi nhuận.
Lợi nhuận trước dự phòng tăng 9,59%, đạt 1.622 tỷ đồng. Tăng trưởng lợi nhuận hoạt động được đóng góp chủ yếu nhờ thu nợ từ các khoản nợ đã xử lý, đã xóa, đạt 441 tỷ đồng trong năm 2017, trong khi đó, cùng kỳ 2016 con số này chỉ đạt 58 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, lãi suất tiền gửi trung bình của khách hàng tăng từ 4,78% lên mức 5,27% trong khi đó, lãi suất cho vay trung bình không đổi, duy trì ở mức 8,27% kéo NIM giảm từ mức 2,64% trong năm 2016 còn 2,06% năm 2017, thu nhập lãi thuần giảm 13% so với năm trước. Theo BVSC, so với các ngân hàng thương mại cổ phần khác, chi phí huy động của EIB tương đối cao, ngân hàng cần kiểm soát các khoản chi phí này.
Ngân hàng năm qua cũng đã chính thức xóa lỗ lũy kế khi LNST đạt 823 tỷ đồng, tăng 166% chủ yếu nhờ chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm mạnh, giảm 44% còn 604 tỷ đồng.
Nợ xấu là một trong những điểm thu hút sự chú ý nhất ở Eximbank thời gian qua cũng như thời gian tới. Theo BVSC, tổng tài sản nghi ngờ theo ước tính của công ty này là 9.751 tỷ đồng, tương đương 68% vốn chủ sở hữu. Trong đó, các tài sản xấu cần xử lý là khoảng 8.785 tỷ đồng, bao gồm 2.298 tỷ đồng nợ xấu, 4.487 tỷ đồng giá trị ròng trái phiếu VAMC sau dự phòng, và khoảng 2.000 tỷ đồng nợ cơ cấu và tài sản cấn trừ nợ.
EIB bị thanh tra và kiểm soát hoạt động từ năm 2014, do đó, theo BVSC, có thể nói các tài sản xấu nhất của ngân hàng đã được phơi bày, rủi ro phát sinh mới một khoản nợ xấu lớn, bất thường thấp hơn. So với vốn chủ sở hữu cuối năm 2017 trị giá 14.251 tỷ đồng, giá trị các tài sản cần xử lý chiếm 62% vốn chủ sở hữu của ngân hàng, không quá lớn nếu so với một số ngân hàng khác. Nếu thu hồi được nợ xấu theo kế hoạch nói trên, ngân hàng có thể ghi nhận một số khoản hoàn nhập dự phòng rủi ro trong thời gian tới.
Một số biện pháp xử lý nợ xấu của EIB thời gian tới bao gồm: Xuất ngoại bảng các khoản nợ xấu trên 5 năm, không có khả năng thu hồi; (2) tái cấu trúc AMC và chuyển 1/2 các khoản nợ xấu sang AMC của ngân hàng xử lý, (3) thu hồi các tài sản đảm bảo, bán, thanh lý các tài sản cấn trừ nợ; (4) Thu hồi và mua lại các khoản nợ đã bán cho VAMC và trích lập trên 30% giá trị khoản nợ, mục tiêu thu hồi 50% giá trị các khoản nợ đã bán cho VAMC vào năm 2020.
Kế hoạch kinh doanh trong 3 năm tới, ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tài sản đạt trung bình 20%/năm, trong đó, chủ yếu nhờ tăng trưởng tín dụng, khối bán lẻ phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao hơn 20%/năm.
NIM kỳ vọng tăng và duy trì mức 2.8% nhờ (1) quản trị chặt chi phí huy động đầu vào, giao chỉ tiêu chi phí huy động, NIM tới từng khối vận hành, (2) danh mục cho vay khách hàng của EIB phần lớn là cho vay mua nhà, đã hết thời gian ưu đãi lãi suất thấp; (3) ngân hàng bắt đầu triển khai trở lại các gói cho vay tín chấp, với lãi suất cao hơn các gói cho vay có tài sản đảm bảo. Ngân hàng cũng đặt mục tiêu tỷ lệ nợ xấu, bao gồm cả nợ bán cho VAMC giảm về mức 2,8% vào năm 2020.