Tại cuộc họp ông Nguyễn Văn Hưởng – Phó trưởng phòng dự báo khí tượng hạn ngắn, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, hồi 4 giờ ngày 3/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 12,8 độ Vĩ Bắc; 114,1 độ Kinh Đông, cách bờ biển Khánh Hòa-Ninh Thuận khoảng 500km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/giờ), giật cấp 13.
Sáng mai (4/11) bão mạnh cấp 12 đổ bộ Khánh Hòa-Ninh Thuận.
Bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 20km và mạnh lên. Đến 4 giờ ngày 4/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 12,2 độ Vĩ Bắc; 109,8 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh Khánh Hòa-Ninh Thuận. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (100-135km/giờ), giật cấp 15.
Từ chiều nay vùng biển từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận (bao gồm đảo Lý Sơn, Phú Quý) gió mạnh dần lên cấp 6-7, đến đêm gió mạnh cấp 8-9, gần sáng và ngày mai (4/11) tăng lên cấp 9-10, vùng gần bão đi qua cấp 11-12, giật cấp 15; biển động dữ dội. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão kết hợp với không khí lạnh tăng cường mạnh ở Vịnh Bắc Bộ, vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Nam có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9.
Nước dâng do bão ở ven biển các tỉnh từ Phú Yên đến Ninh Thuận từ 0,5-1,0m, sóng ngoài khơi vùng tâm bão cao từ 5-7m, vùng ven bờ từ 2-4m.
Từ gần sáng và ngày 4.11, trên đất liền ven biển các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận có gió mạnh dần lên cấp 9-11, giật cấp 14, các khu vực sâu hơn trong đất liền có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 11. Khu vực ven biển các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Thuận có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9.
Ông Nguyễn Văn Hưởng – Phó trưởng phòng dự báo khí tượng hạn ngắn cảnh báo từ ngày 4 đến 8/11, trên các sông từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận, khu vực Tây Nguyên và sông Đồng Nai sẽ xảy ra một đợt lũ. Nguy cơ cao xuất hiện lũ lớn ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa, Bắc Tây Nguyên và lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ven sông và ngập lụt sâu, diện rộng ở vùng trũng thấp thuộc các khu vực nêu trên.