Nhiều lần hối thúc nhưng chưa nộp
Bộ Công Thương cho biết, từ giữa tháng 1 đã thu hồi giấy phép xuất, nhập khẩu xăng dầu của Hải Hà Petro và yêu cầu doanh nghiệp này nộp ngay tiền nợ Quỹ bình ổn hơn 600 tỷ đồng và tiền lãi phạt chậm nộp vào ngân sách nhưng công ty này chưa thực hiện.
Cả Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đã nhiều lần hối thúc nhưng Hải Hà Petro vẫn chưa nộp lại số tiền trên vào Quỹ bình ổn theo quy định của Nghị định 95 dù doanh nghiệp này đã bị thu hồi Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu từ ngày 12/1 theo Quyết định số 63/QĐ-BCT của Bộ trưởng Công Thương.
Liên quan đến quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu , trước đó, Bộ Công Thương đã nhiều lần gửi văn bản yêu cầu Xuyên Việt Oil nộp toàn bộ số dư thuộc Quỹ bình ổn giá xăng dầu tại doanh nghiệp vào ngân sách nhà nước đồng thời gửi bản sao chứng từ nộp tiền về Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá), Bộ Công thương (Vụ Thị trường trong nước). Tuy nhiên, số tiền nợ Quỹ bình ổn giá xăng dầu là hơn 200 tỷ đồng của Xuyên Việt Oil đến nay chưa được thực hiện trả lại dù doanh nghiệp đã bị thu hồi giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu từ ngày 11/8/2023. Cả Hải Hà Petro và Xuyên Việt Oil đã bị hải quan dừng thủ tục thông quan .
Theo thông tin của PV Tiền Phong, số tiền nợ Quỹ bình ổn xăng dầu của Hải Hà Petro tính đến cuối tháng 11/2023 là 612 tỷ đồng. Đơn vị này cũng khai thiếu, nợ thuế bảo vệ môi trường hàng nghìn tỷ đồng. Cụ thể, Hải Hà Petro đến nay nợ hơn 1.700 tỷ đồng tiền thuế, chủ yếu là thuế bảo vệ môi trường. Trong khi đó, năm 2021, doanh nghiệp này nợ khoảng 815 tỷ đồng; năm 2020 nợ khoảng 761 tỷ đồng.
Chủ tịch Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà là bà Trần Tuyết Mai đã bị bắt từ cuối tháng 1/2024 sau khi bị Thanh tra Chính phủ đề xuất xử lý về hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình kê khai và nộp thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, cũng như việc sử dụng quỹ bình ổn giá không đúng mục đích.
Theo kết luận thanh tra, Hải Hà Petro đã trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá đối với khối lượng xăng dầu vượt so với khối lượng trên sổ sách 110.242 m3. Từ đó dẫn đến trích lập Quỹ Bình ổn giá sai, vượt khối lượng. Ngoài ra, công ty này thường xuyên nợ thuế bảo vệ môi trường nhưng đến ngày 16/2/2023, Cục Thuế tỉnh Thái Bình mới có văn bản về việc nộp tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước. Qua đó xác nhận tại thời điểm 31/12/2022, công ty còn nợ ngân sách tiền thuế bảo vệ môi trường 1.114 tỷ đồng.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ công bố mới đây, Xuyên Việt Oi l âm vốn chủ sở hữu 462 tỷ đồng, nợ Nhà nước tiền thuế 1.246 tỷ đồng và nợ Quỹ bình ổn giá xăng dầu là 212 tỷ đồng.
Về thu hồi tiền nợ quỹ, Bộ Tài chính cho biết, cơ quan này có các biện pháp để cưỡng chế, thu hồi tiền chiếm dụng của doanh nghiệp. Tuy nhiên, do vụ án đang điều tra nên cần phối hợp, chờ phán quyết từ phía cơ quan công an.
Hàng loạt doanh nghiệp đầu mối có vi phạm
Theo thông tin từ Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương và Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 6/2023, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đang là đơn vị có số dư Quỹ Bình ổn giá cuối kỳ cao nhất với hơn 3.198 tỷ đồng, chiếm 43% tổng số dư quỹ. Đứng thứ hai là Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà với hơn 612 tỷ đồng…
Có 4 đơn vị bị âm Quỹ Bình ổn giá là: Công ty Cổ phần xăng dầu Tân Nhật Minh (âm 32,2 tỷ đồng), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) âm 22,4 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư phát triển Trường An (âm 12,5 tỷ đồng), Công ty TNHH Petro Bình Minh (âm 4,1 tỷ đồng).
4 DN không trích lập quỹ trong quý II gồm: Công ty Cổ phần Dầu khí Đông Phương, Công ty TNHH Sản xuất thương mại Hưng Phát, Công ty TNHH Thương mại vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil , Công ty TNHH Trung Linh Phát.
Đến quý III/2023, cơ quan quản lý phát hiện, tính đến ngày 15/9, có 5 doanh nghiệp kết chuyển không đúng quy định về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu: Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà; Công ty CP Dầu khí Đông Phương; Công ty CP Tập đoàn Thiên Minh Đức; Công ty TNHH Xăng dầu Tây Nam S.W.P và Công ty TNHH Trung Linh Phát .
Ngoài ra, có 3 doanh nghiệp không phát sinh hoạt động trích lập, sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Đó là Công ty CP Dầu khí Đông Phương; Công ty TNHH Trung Linh Phát; Công ty Cổ phần Appollo Oil.
Về hoạt động của các doanh nghiệp đầu mối, Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ cho thấy, có 3/7 doanh nghiệp đầu mối đã bị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính từ 3 lần trở lên. Có 3 đầu mối đã trích lập và chi sử dụng quỹ với khối lượng xăng dầu vượt so với sổ sách, dẫn đến trích lập quỹ sai 4,79 tỷ đồng. Cùng đó, Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà chi vượt khối lượng với số tiền hơn 22,5 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Thương mại Dầu khí Đồng Tháp chi vượt khối lượng với xăng E5 khoảng 3,3 tỷ đồng.