Các DN Việt Nam, trong đó có ngành dệt may, chưa thể hưởng lợi trong ngắn hạn và cần nhiều thay đổi để có thể tận dụng hiệp định thương mại quan trọng EVFTA vừa được ký kết với châu Âu.
Tín hiệu mừng giữa bão dịch
Trái với diễn biến khá u ám trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu MSH của CTCP May Sông Hồng chứng kiến 7 trong 10 phiên liên tiếp vừa qua tăng điểm. Tổng mức tăng không nhiều nhưng đây là một diễn biến tích cực so với tình hình chung trong bối cảnh tin xấu về dịch viêm phổi cấp do dịch Covid-19 ảnh hưởng tâm lý các nhà đầu tư.
Điểm sáng nổi bật tuần qua chính là Hiệp định EVFTA đã được Nghị viện châu Âu thông qua ngày 12/2 sau 8 năm đàm phán. Hiệp định sẽ mở thêm cơ hội cho ngành nông sản, thuỷ sản, dệt may...
Một số cổ phiếu dệt may cũng tăng điểm từ đầu tháng 2, như: May Sông Hồng MSH (tăng từ 39.600 đồng/cp lên 42.350 đồng/cp; May Hưng Yên HUG (từ 33.000 đồng/cp lên 38.000 đồng/cp), Everpia EVE (tăng từ 9.700 đồng lên 10.350 đồng/cp),...
Sỡ dĩ một số cổ phiếu dệt may nhúc nhắc tăng trở lại là giới đầu tư thêm một lần nữa kỳ vọng về tác động tích cực từ các thỏa thuận thương mại tự do quy mô lớn, lần này là EVFTA.
Hiệp định thương mại EVFTA được Nghị viện châu Âu thông qua hôm 12/2. |
Theo SSI Research, EVFTA dự kiến sẽ thúc đẩy cho hàng xuất khẩu của Việt Nam và đa dạng hóa thị trường. Nhìn chung, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 71% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU ngay khi hiệp định có hiệu lực và 99% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực (đối với Việt Nam, 65% kim ngạch xuất khẩu của EU sang Việt Nam sẽ được xóa bỏ thuế quan ngay khi hiệp định có hiệu lực và tất cả kim ngạch xuất khẩu sẽ được xóa bỏ sau 10 năm).
EVFTA sẽ góp phần mở rộng xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang EU, thị trường lớn thứ hai đối với các sản phẩm của Việt Nam. Trong năm 2019, EU nhập khẩu 4,4 tỷ USD giá trị xuất khẩu từ Việt Nam, tăng 2,2% so với năm ngoái. Hàng may mặc chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch nhập khẩu của EU từ Việt Nam.
Kỳ vọng về các DN không phải là không có lý khi mà EU là một trong ba thị trường xuất khẩu dệt may lớn nhất của Việt Nam hiện nay, bên cạnh Mỹ, Nhật Bản.
Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên các nhà đầu tư đặt kỳ vọng vào những tác động tích cực của các hiệp định thương mại lớn đối với các DN dệt may Việt Nam.
Ngay đầu năm 2019, sự kỳ vọng đã rất lớn đối với các FTAs được Việt Nam ký kết như CPTPP, EVFTA. Cũng trong năm 2019, đối cuộc chiến chiến thương mại Mỹ - Trung cũng được đánh giá là sẽ tạo điều kiện cho các đơn hàng chuyển dịch sang các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Việt Nam sở hữu nhiều nhiều lợi thế từ vị trí địa lý, nhân công dồi dào, chi phí sản xuất thấp...
Tại ĐHCĐ 2019, nhiều DN dệt may đã chia sẻ kế hoạch đầu tư mở rộng, nâng cấp năng lực sản xuất để đón đầu cơ hội tăng trưởngmvà nâng cao giá trị hàng hóa sản xuất. Nhưng trên thực tế, không ít DN gặp khó khăn, giá cổ phiếu dệt may đã quay đầu giảm mạnh như GMC, TCM, STK,...
Chưa lợi trong 2 năm tới, khó khăn còn nhiều
CTCK Sài Gòn của ông Nguyễn Duy Hưng đánh giá, không nhiều DN dệt may trong nước có khả năng hưởng lợi đầy đủ từ EVFTA trong ngắn hạn, chưa kể các DN trong ngành còn chịu ảnh hưởng tiêu cực do thiếu nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc tác động bởi dịch Covid-19.
Cụ thể, Hiệp định EVFTA có hiệu lực ngay lập tức sau khi Quốc hội Việt Nam phê chuẩn (có thể là vào tháng 5) và Hội đồng châu Âu phê duyệt, nhưng Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) có thể cần thêm sự phê chuẩn từ 27 quốc gia thành viên EU, vì vậy nhiều khả năng mất thêm 2 năm nữa.
Hiện Việt Nam được hưởng lợi từ chương trình Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) của EU dành cho các nước đang phát triển, với mức thuế suất ưu đãi là 9% đối với một số dòng thuế hạn chế.
Giới đầu tư kỳ vọng doanh nghiệp dệt may hưởng lợi. |
Sau khi EVFTA có hiệu lực, mức thuế suất theo Nguyên tắc đối xử tối huệ quốc (MFN) sẽ tự động thay thế mức thuế suất theo GSP. Điều đó có nghĩa là trong 2 năm đầu tiên triển khai EVFTA, hầu hết các sản phẩm may mặc trong nước sẽ không được hưởng lợi từ EVFTA, bởi mức thuế suất theo MFN cho các sản phẩm này thực tế cao hơn mức thuế suất theo GSP là 9% như hiện nay.
Cụ thể, đối với hầu hết các sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu sang EU, thuế xuất khẩu được loại bỏ dần khỏi biểu thuế MFN từ 12% xuống 0% trong 3-7 năm sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực. Những sản phẩm được giảm thuế ngay lập tức lại không phải là hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang EU như sợi.
Theo quy tắc xuất xứ trong EVFTA (ROO), các loại vải được sử dụng để sản xuất sản phẩm phải có xuất xứ từ Việt Nam hoặc EU, các công đoạn cắt may phải được thực hiện tại Việt Nam. Có một số điểm linh hoạt như hàng may mặc được sản xuất tại Việt Nam từ các loại vải được sản xuất tại Hàn Quốc mà EU có FTA cũng sẽ được miễn thuế. Tuy nhiên, hơn 60% vải nhập khẩu vào Việt Nam là từ Trung Quốc và Đài Loan, có giá thấp hơn nhiều so với vải nhập khẩu từ Hàn Quốc. Điều này khiến các công ty trong nước gặp trở ngại trong việc tận dụng thuế suất ưu đãi.
Trên thực tế, không có nhiều công ty trong nước có khả năng hưởng lợi đầy đủ từ EVFTA do quy định ROO.
Trong số các công ty may mặc niêm yết trong nước, hiện TNG có tỷ trọng xuất khẩu sang EU cao nhất về doanh thu (khoảng 50%), tiếp theo là GMC (40%). Tuy nhiên, để đạt được lợi ích trong dài hạn (sau 2 năm khi thuế suất theo MFN giảm dần từ 12% xuống 0%), các công ty phải nỗ lực tăng tỷ lệ sử dụng vải trong nước trong đơn đặt hàng FOB sang EU. Nhưng rõ ràng, việc sản xuất vải trong nước luôn là một nút thắt vì nhiều lý do, bao gồm cả tác động tiêu cực của việc sản xuất vải đến môi trường.
Trong số các công ty sợi niêm yết trong nước, không có công ty nào xuất khẩu sang EU.
Còn đối với kỳ vọng về CPTPP, DN Việt cũng chưa được hưởng lợi nhiều do vướng về quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi.
Dịch Covid-19 có thể ảnh hưởng từ quý 2/2020 Trong ngắn hạn, ngành dệt may tiếp tục thiếu nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc do dịch Covid-19 bùng phát. Trong trường hợp May Sông Hồng, theo SSI, công ty đã xác nhận việc sản xuất vẫn diễn ra bình thường trong quý 1 vì công ty có hàng tồn kho, song do nguyên liệu nhập từ Trung Quốc nên khả năng sẽ thiếu hụt trong quý 2. Các nhà cung cấp từ Trung Quốc sẽ quay trở lại sản xuất từ ngày 20/2, nhưng hiện vẫn chưa rõ công suất khi các nhà máy hoạt động trở lại. Dù vậy, khả năng các DN chuyển sang nhập nguyên liệu từ nước khác ngoài Trung Quốc là rất thấp. Khó khăn chính đối với DN dệt may là xuất xứ nguyên liệu đầu vào. Với EVFTA, việc đáp ứng cầu về xuất xứ từ khâu vải trở đi càng khó. MSH cũng không mong đợi được hưởng lợi từ hiệp định này. Dù vậy, không phải tất cả các DN sẽ chịu thiệt trong ngắn hạn bởi như MSH thì EU không phải là thị trường xuất khẩu chiến lược, mà 90% sản phẩm xuất sang Mỹ. |
M. Hà