Theo đó, thời hạn sử dụng 50-70 năm. Cụ thể, thời hạn cho thuê đất đối với tổ chức để sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ được xem xét, quyết định trên cơ sở dự án đầu tư hoặc đơn xin thuê đất nhưng không quá 50 năm, đối với dự án có vốn đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn chậm, dự án đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn mà cần thời hạn dài hơn thì thời hạn cho thuê đất không quá 70 năm; khi hết thời hạn, người sử dụng đất nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng thì được Nhà nước xem xét gia hạn sử dụng đất.
Chỉ cấp cho các trường hợp đủ điều kiện. Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức rà soát các dự án đầu tư đã được phê duyệt và việc thực hiện giao đất, cho thuê đất của từng dự án để xác định mục đích sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Trường hợp đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật đất đai và pháp luật khác có liên quan thì thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất và không làm thay đổi quy mô, mục tiêu, quy hoạch của dự án.
Được biết, 2 năm trở lại đây do những vướng mắc về pháp lý của căn hộ condotel khiến nguồn cung loại hình này sụt giảm, nhà đầu tư mang tâm lý “dè chừng”. Nếu tốc độ tăng trưởng trung bình nguồn cung biệt thự nghỉ dưỡng tại Khánh Hòa, Phú Quốc, Đà Nẵng trong năm 2017 lần lượt là 35%, 27% , 5,5% thì con số này trong năm 2018-2019 bị giảm, lần lượt chỉ còn 7,3% và 2,6%.
Từ cuối năm 2018 kéo sang cả năm 2019, phân khúc nghỉ dưỡng với điển hình là sản phẩm condotel (căn hộ khách sạn) lao dốc không phanh sau thời kỳ bùng nổ 2016-2017. Số liệu của Hội môi giới Bất động sản Việt Nam cho thấy, lượng cung condotel mới trong quý III/2019 giảm gần 50% so với quý I, đạt 3.680 sản phẩm. Đáng chú ý, nguồn vốn tại hai thị trường trọng điểm là Đà Nẵng và Nha Trang sụt giảm mạnh, tỷ lệ hấp thụ chỉ đạt từ 20-30% lượng hàng được tung ra.
Trong khi khung pháp lý rõ ràng và chưa có sự đồng nhất giữa các địa phương thì thị trường lại tiếp tục bị ảnh hưởng năng nề vào cuối năm 2019 khi chủ đầu tư dự án Cocobay Đà Nẵng - Tập đoàn Empire thông báo không thể chi trả mức lợi nhuận 12% như đã cam kết với khách hàng. Sự đổ vỡ tại Cocobay khiến nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại về hiệu ứng lan truyền có thể xảy ra tại nhiều dự án khác, làm phân khúc này bị tê liệt. Các chuyên gia cho rằng, mức lợi nhuận phù hợp chỉ rơi vào khoảng 6%.
Chưa dừng lại ở đó, đầu năm 2020 phân khúc căn hộ condotel tiếp tục đứng trước nhiều khó khăn trong bối cảnh đại dịch virus corona đang diễn biến phức tạp. Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng thời gian qua đã có tâm lý e ngại khi nhiều doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả, không đáp ứng được cam kết lãi suất với khách hàng. Cùng với những lo ngại liên quan các vấn đề pháp lý của Condotel khiến thị trường càng khó. Đặc biệt, khi gặp phải cú sốc dịch bệnh, năm nay sẽ là năm tiếp tục khó khăn đối với phân khúc này.