Theo anh Thành Phạm (quản lý nhóm đầu tư đất nền), sau khi thông tin bản quy hoạch Long Thành chính thức được công bố, một số nhà đầu tư Long Thành đã phải bỏ cọc vì mua phải đất nằm trong khu vực xây dựng công trình, dự án.
Anh Thành Phạm cho biết: "Thông thường, quá trình để duyệt bản quy hoạch 10 năm (2021 – 2030) sẽ qua quy trình các bản dự thảo lưu hành nội bộ. Nhưng một số bản thảo này bị tuồn ra ngoài và các ứng dụng quy hoạch không chính chủ trên internet sử dụng nó để đăng tải. Các ứng dụng đăng tải không ghi rõ bản quy hoạch đang ở dự thảo chưa được duyệt và xác nhận thông tin chưa chuẩn.
Bản dự thảo quy hoạch Long Thành đầu tiên đã có từ tháng 11/2021. Khoảng 3-4 tháng sau, bản quy hoạch này mới được duyệt chính thức.
Không ít NĐT căn cứ theo quy hoạch dự thảo để mua đất. Đến khi duyệt chính thức, bản quy hoạch bị điều chỉnh so với bản dự thảo. Thế nên sẽ có trường hợp nhà đầu tư mua lô đất, khi kiểm tra quy hoạch cũ thì đây là đất sạch. Sau khi bản duyệt chính thức công bố, lô đất này lại nằm trong quy hoạch một công trình khác".
Nhà đầu tư Thành Phạm cho biết thêm, chủ đất mua phải lô dính quy hoạch thường sẽ bỏ cọc. Hoặc khi mua phải lô đất dính quy hoạch, họ nhanh chóng bán lại giá rẻ cho người không biết. Thông thường, đối lô đất dính quy hoạch, giá trị sẽ bị giảm từ 70-80% nên nhà đầu tư có tâm lý bán tống bán tháo. Thị trường lại xuất hiện tình trạng một số nhà đầu tư ham rẻ, nhảy vào cọc dự tính bán lướt nhưng lại khó thoát hàng vì không ai mua. Sau mới biết, lô đất này rẻ vì dính quy hoạch nên mới tá hỏa ra.
"Chỉ trường hợp nhà đầu tư không hiểu rõ ham rẻ và không nắm quy hoạch mới rơi vào tình trạng mua nhầm phải lô đất nằm trong quy hoạch công trình, dự án", anh Thành Phạm chia sẻ.
Nhà đầu tư nhiều năm kinh nghiệm Nguyễn Hòa cho biết, thực tế, không chỉ trường hợp nhà đầu tư tại Long Thành phải bỏ cọc, hay bán rẻ lại khi mua phải đất dính công trình, dự án do sử dụng bản quy hoạch dự thảo. "Trước đó ở Phú Quốc cũng xảy ra rất nhiều tình trạng nhà đầu tư phải bán cắt lỗ vì mua phải đất dính quy hoạch. Những khu vực đang điều chỉnh quy hoạch hoặc quy hoạch lại rất dễ gặp phải vấn đề mua nhầm đất quy hoạch".
Nhà đầu tư Nguyễn Hòa tiết lộ thêm: "Anh em môi giới, nhà đầu tư thường sử dụng một app quy hoạch để kiểm tra xem dự án nằm vị trí nào, tuyến đường nào đi qua rồi mua đất. Nhưng, bản quy hoạch này chỉ mang tính tương đối và thường không chuẩn xác. Thế nên, trường hợp mua phải lô đất tưởng sạch hóa ra đất dính quy hoạch vẫn thường xảy ra. Thậm chí, có nhà đầu tư mua nhầm lô đất, tưởng rất gần dự án hay gần đường hóa ra cách rất xa, và vị trí xấu khiến cho việc thanh khoản chậm. Với lô đất dính quy hoạch thì chắc chắn, nhà đầu tư buộc phải thanh khoản giá rẻ vì nếu không, sẽ phải chấp nhận mức giá đền bù theo quy định Nhà nước".
Chia sẻ về kinh nghiệm kiểm tra chính xác quy hoạch, anh Hòa cho biết: "Các nhà đầu tư nên đến phòng địa chính của xã, phường và nhờ kiểm tra lại cẩn thận. Đó là cách kiểm tra chính xác nhất, rõ ràng nhất và đảm bảo nhất cho nhà đầu tư".