Tundra Fonder là quỹ đầu tư đến từ Thụy Điển, chuyên tập trung vào các thị trường cận biên (frontier markets), thị trường mới nổi (emerging markets) như Nigeria, Pakistan, Sri Lanka – các quốc gia nằm trong nhóm tăng trưởng nhanh nhất toàn cầu.
Những năm gần đây, Tundra Fonder, thông qua quỹ thành viên là Tundra Vietnam Fund đã đầu tư vào Việt Nam nhằm đón đầu làn sóng nâng hạng thị trường lên Emerging Markets, như những gì quỹ đã thực hiện rất thành công tại Pakistan.
Theo báo cáo mới được công bố, tổng tài sản Tundra Vietnam Fund tính tới cuối tháng 3 vừa qua đạt xấp xỉ 215 triệu USD, tăng 50 triệu USD so với tháng trước đó.
Việc tăng mạnh quy mô tài sản của Tundra Vietnam Fund trong tháng 3 đến từ giá trị cổ phiếu trong danh mục của quỹ tăng, cũng như việc quỹ huy động thêm dòng tiền mới. Theo ước tính, chỉ tính riêng trong tháng 3, lượng tiền huy động ròng vào quỹ đạt khoảng 48 triệu USD.
Những khoản đầu tư lớn nhất trong danh mục Tundra Vietnam Fund
Trong cơ cấu danh mục của Tundra Vietnam Fund, VIC là cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất với 8,2%. Các cổ phiếu chiếm tỷ trọng tiếp theo trong danh mục quỹ lần lượt là HPG (6,7%), MSN (6%), SSI (5,4%), DXG (5,3%), VRE (4,9%)…
Lượng tiền mặt của quỹ hiện chiếm 13% tổng tài sản, tương ứng gần 28 triệu USD, tăng mạnh so với con số hơn 16 triệu USD vào tháng trước.
Trong tháng 3 vừa qua, giá trị ròng trên mỗi chứng chỉ quỹ (NAV) Tundra Vietnam Fund đạt 26,72 USD, tăng 1,2% so với tháng trước và tăng 18% so với đầu năm (tính theo đồng USD). Theo Tundra Vietnam Fund, sự tăng trưởng mạnh mẽ của một số cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là VIC, MSN, VNM đã đóng góp vào thành công trong tháng. Bên cạnh đó, các cổ phiếu PNJ, VND, GEX cũng mang lại hiệu suất đầu tư khá tốt cho quỹ.
Những khoản đầu tư lãi/lỗ nhiều nhất của Tundra Vietnam Fund
Tundra Vietnam Fund cho rằng định giá các cổ phiếu Largecaps tiếp tục nới rộng khoảng cách so với nhóm midcaps. Do đó, quỹ này sẽ hướng đầu tư vào nhóm cổ phiếu tăng trưởng với mức định giá hợp lý.
Đánh giá về thị trường chứng khoán trong tháng 3, Tundra cho biết đà tăng của TTCK Việt Nam được hỗ trợ bở các điều kiện vĩ mô tích cực và chỉ số VnIndex vượt qua mốc lịch sử 1.170 điểm được thiết lập vào năm 2007.
Việt Nam đã có mức tăng trưởng ấn tượng 7,4% trong quý 1, cao hơn đáng kể so với 5,1% cùng kỳ năm trước, chủ yếu nhờ sự tăng mạnh của nhóm công nghiệp và xây dựng. CPI vẫn giữ ở mức 2,8%, vốn đầ tư trực tiếp nước ngoài giảm 25% xuống còn 5,8 tỷ USD, tuy nhiên số tiền giải ngân đã tăng 7,2% lên 3,88 tỷ USD. Xuất khẩu tăng 23% so với năm trước đạt 33,6 tỷ USD, thặng dư thương mại 1,1 tỷ USD.
Khối ngoại đã bán ròng 45 triệu USD trong tháng 3, tuy nhiên chỉ tập trung chủ yếu tại HDB và HPG. Thanh khoản thị trường vẫn ở mức cao với giá trị bình quân mỗi ngày đạt 368 triệu USD. Các cổ phiếu vốn hóa lớn như VIC, MSN và các cổ phiếu ngân hàng là yếu tố chủ chốt dẫn dắt thị trường tăng, trong khi các nhóm còn lại vẫn khá lình xình. Tundra cho rằng việc Vinhomes chuẩn bị lên sàn, cũng như Techcombank (MSN nắm 20%) là yếu tố quan trọng giúp VIC và MSN bứt phá.