Giá gạo châu Á xuất khẩu đã tăng khoảng 10-20% trong năm 2017 trong bối cảnh nhu cầu khá tốt, đặc biệt từ Bangladesh – nước bị mất mùa do lũ lụt nghiêm trọng. Sang năm 2018, thị trường tiếp tục sôi động ngay từ đầu năm khi Indonesia và Philippines – hai thị trường tiêu thụ lớn đồng loạt thông báo kế hoạch nhập khẩu, trong khi Bangladesh tiếp tục duy trì tiến độ nhập khẩu.
Chỉ trong 20 ngày đầu tháng 1/2018, giá gạo của ba nước xuất khẩu lớn nhất thế giới tăng khoảng 5-10%, theo đó gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ giá tăng 13 -15 USD/tấn lên 432 – 436 USD/tấn, gạo 5% tấm của Thái Lan tăng 22 – 24 USD/tấn lên 415 – 420 USD/tấn, trong khi gạo cùng loại của Việt Nam tăng mạnh nhất, thêm 30- 35 USD/tấn lên 420 – 430 USD/tấn.
Giá gạo xuất khẩu tăng kéo giá trong nước tăng theo. Tại khu vực ĐBSCL, giá lúa gạo nguyên liệu nhìn chung tăng khoảng 350-650 đồng/kg từ đầu năm đến nay. Lúa khô tại kho loại thường hiện dao động từ 6.150– 6.250 đ/kg (+450 đồng), lúa dài khoảng 6.350 – 6.450 đ/kg (+350 đồng); gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm khoảng 8.300 – 8.400 đ/kg (+500 đồng), loại làm ra gạo 25% tấm là 7.900 – 7.800 đ/kg (+650 đồng); gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì tại mạn khoảng 9.000 – 9.200 đ/kg (+600 đồng), gạo 15% tấm 8.800 – 9.000 đ/kg (+600 đồng) và gạo 25% tấm khoảng 8.600 – 8.800 đ/kg (+650 đồng).
Theo các thương lái thu mua lúa, giá lúa liên tục giữ ở mức cao ngoài việc cung không đủ cầu còn nhờ những tín hiệu tích cực từ thị trường xuất khẩu. Triển vọng tình hình xuất khẩu trong thời gian tới được dự báo sẽ có nhiều thuận lợi, khi một số thị trường lớn có thể sẽ có nhu cầu nhập khẩu gạo, trong khi nguồn cung từ Thái Lan năm 2018 dự báo sẽ giảm so với năm trước.
Indonesia phải nhập khẩu gạo trở lại sau một thời gian dài vắng bóng. Mới đây Chính phủ nước này đã mua 364.000 tấn gạo qua một phiên đấu thầu quốc tế, trong bối cảnh giá gạo nội địa tăng mạnh kéo dài do dự trữ gạo trong nước giảm thấp.
Vì cung không đáp ứng đủ nhu cầu, giá gạo tại Indonesia đã tăng mạnh từ tháng 11/2017 tới nay, dù Chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp để hạ nhiệt thị trường, trong đó có việc xuất bán gạo dự trữ và xử lý ngiêm những trường hợp đầu cơ tích trữ.
Kế hoạch nhập khẩu gạo lần này đã gây nhiều tranh cãi trong nội bộ Chính phủ, nhất là từ phía Bộ Nông nghiệp, tuy nhiên việc nhập khẩu vẫn được tiến hành, cho thấy mức độ cấp thiết dù chỉ vài tuần nữa tới vụ thu hoạch lúa.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng gạo Indonesia năm 2017/18 sẽ giảm so với năm 2016/17, từ mức 37,5 triệu tấn xuống 37,3 triệu tấn. Nếu xảy ra thiên tai, sản lượng có thể sẽ còn giảm nữa.
Philippines mới đây cũng thông báo cần nhập khẩu gấp 250.000 tấn gạo vì lượng dự trữ trong kho của Chính phủ chỉ còn khoảng 5 ngày sử dụng (157.000 tấn), gây nguy cơ mất an ninh lương thực. Dự trữ gạo của cơ quan lương thực quốc gia (NFA) đã giảm mạnh trong những tháng gần đây, kể từ sau khi cung cấp một phần ra thị trường để bình ổn giá trong mùa mưa bão – từ giữa tháng 10/2017. Được biết, chỉ trong 10 ngày đầu năm 2018 đã có 297 doanh nghiệp và cá nhân nước này nộp hồ sơ xin cấp phép nhập khẩu gạo theo cơ chế Lượng tiếp cận tối thiểu (MAV) với khối lượng đăng ký lên tới hơn 2 triệu tấn, cho thấy nhu cầu tiêu thụ mạnh trên thị trường này. Trong khi đó, USDA dự báo sản lượng gạo Philippines năm 2017/18 sẽ giảm xuống 11,2 triệu tấn, từ mức 11,686 triệu tấn niên vụ trước.
Bangladesh được dự báo sẽ tiếp tục nhập khẩu nhiều gạo trong năm 2018. Do sản lượng giảm, Bangladesh năm qua đã phải tăng cường nhập khẩu gạo, gây xáo trộn thị trường toàn cầu. Với lượng mua cao gần kỷ lục, nước này đã trở thành thị trường nhập gạo lớn thứ 3 thế giới trong năm 2017, mặc dù năm trước đó – 2016 – đã sắp tự cung tự cấp được gạo. Reuters dẫn số liệu từ USDA và nguồn tin thương mại cho biết Bangladesh vừa lập kỷ lục nhập khẩu nhiều gạo nhất kể từ 1998 với 2,4 triệu tấn.
Là nước sản xuất gạo lớn thứ 4 thế giới, nhưng Bangladesh thường xuyên phải nhập khẩu thêm gạo mới đủ dùng, dù khối lượng nhập không nhiều. Tuy nhiên, mỗi khi thời tiết xấu ảnh hưởng tới sản lượng thì thị trường này lập tức phải nhập khẩu với khối lượng lớn. Đó là trường hợp của niên vụ 2017/18, khi sản lượng trong nước giảm hơn 1,5 triệu tấn xuống 33 triệu tấn, chính phủ nước này đã phải mua khẩn cấp từ nước ngoài với khối lượng lớn, cả qua hình thức hợp đồng liên chính phủ cũng như đấu thầu mở. Bangladesh nhập khẩu chủ yếu từ những nhà cung cấp truyền thống, như Ấn Độ; và mới đây mua của những nhà cung cấp mới, như Việt Nam. Chính phủ nước này cũng giảm thuế nhập khẩu gạo từ 28% xuống 2% để khuyến khích tư nhân nhập khẩu gạo.
USDA dự báo, trong năm 2018, nhập khẩu vào Bangladesh sẽ giảm nhưng vẫn ở mức cao, khoảng 1,6 triệu tấn. Vụ thu hoạch sắp tới sẽ có tác động rất lớn tới tiến độ mua gạo của nước này. Trên thực tế tốc độ nhập khẩu đã chậm lại chút ít sau một năm liên tiếp mua tích cực. Tuy nhiên, vào lúc này, chính phủ vẫn tgiếp tục mua gạo nước ngoài và duy trì thuế nhập khẩu ở mức thấp.
Châu Phi sẽ tiếp tục gia tăng nhập khẩu gạo khi nhu cầu tiêu thụ không ngừng tăng trong khi sản lượng giảm sút. Dự báo năm 2017/18 cả nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu gạo vào khu vực này sẽ đều tăng.
Tại châu Phi, Nigeria vừa là nước sản xuất gạo lớn nhất, đồng thời là nước nhập khẩu gạo lớn nhất châu lục. Từ mấy năm nay, Chính phủ nước này rất nỗ lực để tự cung tự cấp lúa gạo. Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá mục tiêu này sẽ còn xa mới đạt được, bởi niều nông dân sản xuất quy mô nhỏ - đang sản xuất đến hơn 90% nguồn cung thực phẩm của Nigeria - lại đang đối diện với nhiều khó khăn để duy trì nguồn cung như hiện nay. Những khó khăn lớn nhất bao gồm tiếp cận giống lúa chất lượng cao, phân bón, hệ thống khuyến nông hoạt động hiệu quả và tiếp cận tín dụng.
Trung Quốc có thể cũng sẽ tăng nhập khẩu trong năm 2018 do chi phí sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, tăng mạnh. Giá phân urea nội địa Trung Quốc đã tăng 34% trong tháng 12/2017 so với cùng kỳ năm 2016, trong khi giá phân bón tổng hợp tăng 17,1% trong bối cảnh công suất sản xuất tại các nhà máy sản xuất phân bón giảm mạnh. Chiến lược làm sạch môi trường, cắt giảm công suất sản xuất dư thừa đã khiến thị trường hàng hóa nước này năm 2017 nóng lên, trong đó có một số nguyên liệu như khí gas. Xu hướng có thể sẽ còn tiếp tục trong năm 2018.