Cụ thể, tổng kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 là 764.384,061 tỷ đồng. Trong đó, vốn trong nước là 735.384,06 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 29.000 tỷ đồng.
Bộ Tài chính cho biết, ước giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm đến 28/2/2023 là 49.247,90 tỷ đồng, đạt 6,55% kế hoạch và đạt 6,97% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2022 (đạt 8,04% kế hoạch và đạt 8,61% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Trong đó, vốn trong nước giải ngân 49.136,33 tỷ đồng, đạt 6,79% kế hoạch và đạt 7,24% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 (8,61%). Trong đó, vốn chương trình mục tiêu quốc gia là 1.366,61 tỷ đồng, đạt 5,64% kế hoạch. Giải ngân vốn nước ngoài là 111,57 tỷ đồng, đạt 0,4% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm 2022 (0,2%).
2 tháng đầu năm 2023, cả nước có 50/52 bộ và 19/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 5%. Đáng chú ý, cả nước có 44 bộ chưa giải ngân kế hoạch vốn. Trong khi đó, cả nước có 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 10%, một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Điện Biên (23,44%), Tiền Giang (21,04%), Lâm Đồng (20,31%). Như vậy, Điện Biên là tỉnh có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất cả nước 2 tháng đầu năm 2023.
Bộ Tài chính nhấn mạnh, trong tháng 2, các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương đang tập trung triển khai phân bổ chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án và đang hoàn thiện thủ tục đầu tư để giải ngân kế hoạch vốn nên tỷ lệ giải ngân đạt thấp.
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với bộ căn cứ quy định của pháp luật về đầu tư công khẩn trương hướng dẫn và tổng hợp chung nhu cầu của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương về việc kéo dài thời gian bố trí vốn của các dự án sử dụng ngân sách trung ương sang năm 2023 và kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2022 sang năm 2023 theo chỉ đạo.
Đối với các bộ, cơ quan trung ương, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành trung ương và địa phương phân bổ, nhập dự toán trên Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (Tabmis) và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Đối với các chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ Tài chính đề nghị các chủ chương trình, dự án, tiểu dự án thành phần như: Ủy ban Dân tộc, Bộ Thông tin và Truyền thông và ủy ban nhân dân các tỉnh ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành đầy đủ cơ chế chính sách và kịp thời hướng dẫn tổ chức triển khai, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Về tình hình phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2023, Bộ Tài chính cho biết kế hoạch vốn đã giao là 751.496,873 tỷ đồng; kế hoạch vốn chưa giao là 12.887,188 tỷ đồng, tương ứng gần 2% vốn kế hoạch.
Cụ thể, kế hoạch vốn đã được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao là 707.044,198 tỷ đồng, bao gồm: vốn ngân sách trung ương là 363.763,156 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là 343.281,042 tỷ đồng.
Như vậy, còn lại 12.887,188 tỷ đồng kế hoạch vốn ngân sách trung ương chưa được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao, bao gồm 11.862,188 tỷ đồng vốn trong nước giao cho ngân sách trung ương 11.679,000 tỷ đồng và vốn chương trình mục tiêu quốc gia 183,188 tỷ đồng. Đồng thời, vốn nước ngoài trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới chưa giao là 1.025 tỷ đồng.
Bộ Tài chính cho biết thêm, kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương năm 2023 các địa phương giao tăng so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao cập nhật đến thời điểm báo cáo là 44.452,675 tỷ đồng.
Trong số bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã gửi báo cáo phân bổ kế hoạch vốn năm 2023, có 26/49 bộ, cơ quan trung ương và 50/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao.