Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Thái Nguyên, các phương tiện giao thông, nhất là xe ô tô trên địa bàn tỉnh nói chung, thành phố Thái Nguyên nói riêng những năm gần đây tăng khá nhanh.
Bình quân mỗi năm, toàn tỉnh có trên 41.000 xe ô tô và mô tô đăng ký mới. Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh có 10.735 ô tô, 25.375 xe máy điện, 2.969 xe máy điện đăng ký mới, đưa tổng số các phương tiện trên địa bàn toàn tỉnh lên tới 104.140 xe ô tô , 857.438 xe mô tô và 36.703 xe máy điện. Các phương tiện giao thông này tập trung chủ yếu ở các thành phố, trong đó chủ yếu ở thành phố Thái Nguyên.
Như vậy, với dân số trung bình 1,336 triệu người (Báo cáo Kinh tế Xã hội Thái Nguyên năm 2022), trung bình cứ hơn 12 người dân ở Thái Nguyên thì có 1 ô tô.
Trước đó, theo kết quả Tổng điều tra dân số nhà ở 2019 của Tổng cục Thống kê, tính trung bình cả nước có 5,7% tổng số hộ gia đình có ô tô phục vụ mục đích sinh hoạt. Các tỉnh, thành phố có tỷ lệ hộ gia đình sở hữu ô tô cao nhất là TP Hà Nội (12%), TP Đà Nẵng (10,7%) và Thái Nguyên (10,3%).
Như vậy, Thái Nguyên là tỉnh có tỷ lệ sở hữu ô tô phục vụ mục đích sinh hoạt lớn nhất (đứng thứ ba cả nước, xếp sau 2 thành phố trực thuộc TW). Trung bình cứ 10 hộ ở Thái Nguyên thì có hơn 1 hộ có ô tô. Nếu tính riêng khu vực thành thị, thì tỷ lệ sở hữu ô tô ở Thái Nguyên lên đến 18,1%.
Tỷ lệ sở hữu ô tô cao là một biểu hiện cho sự khởi sắc của kinh tế Thái Nguyên.
Năm 2022, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước đạt 8,59% (kế hoạch là 8%). Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp; giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản (hiện công nghiệp - xây dựng chiếm 59,5%; dịch vụ và thuế sản phẩm chiếm 30%; nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 10,5%). Mức sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh đạt 107 triệu đồng/người, tăng 12 triệu đồng/người so với năm 2021.
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 56,3 nghìn tỷ đồng, tăng 26,5% so với cùng kỳ (nếu loại trừ yếu tố giá thì tốc độ tăng là 22,1%). Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt trên 31 tỷ USD, tăng 6,6% so cùng kỳ, đạt 96,6% kế hoạch. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 18,54 nghìn tỷ đồng, vượt kế hoạch tỉnh giao 3%, tăng 3,4% so cùng kỳ, lọt vào nhóm 18 tỉnh thu ngân sách cao nhất toàn quốc. Trong năm 2023, Thái Nguyên sẽ tự cân đối ngân sách và có điều tiết số thu về Trung ương.
Thái Nguyên cũng là một trong những địa phương đi đầu về thu hút đầu tư nước ngoài. Tính riêng năm 2022 toàn tỉnh có 5 dự án FDI được cấp mới với số vốn đăng ký là 320 triệu USD, tổng số dự án FDI còn hiệu lực tại tỉnh là 171 dự án với tổng vốn đăng ký đạt gần 10,3 tỷ USD (tương đương khoảng 237,3 nghìn tỷ đồng). Năm 2023, tỉnh Thái Nguyên phấn đấu thu hút đầu tư nước ngoài đạt 900 triệu USD, trong đó vốn đầu tư đăng ký đạt 400 triệu USD và vốn đầu tư thực hiện đạt 500 triệu USD.