Tại Hội nghị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 mới đây, lãnh đạo tỉnh Thái Bình đã trao chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án “Đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất gia công linh kiện điện tử, linh kiện máy tính, thiết bị thông minh...”, với tổng mức đầu tư 6.467 tỷ đồng, tương đương 260 triệu USD.
Được biết, đây chính là dự án của Công ty TNHH Compal Electronics Compal, một trong những nhà sản xuất của Apple và các tập đoàn công nghệ lớn toàn cầu. Theo đề xuất của nhà đầu tư, dự án Công ty TNHH Compal Electronics (Việt Nam) tại KCN Liên Hà Thái chuyên sản xuất, gia công, lắp ráp thiết bị điện tử. Dự án được phân kỳ đầu tư làm 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 khởi công xây dựng nhà xưởng, công trình phụ trợ trong quý I/2023 và đi vào sản xuất chính thức quý II/2024.
Kinh tế tỉnh Thái Bình những năm gần đây tăng trưởng ra sao?
Theo báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội của Cục Thống kê tỉnh Thái Bình, năm 2022, GRDP trên địa bàn tỉnh Thái Bình (giá so sánh 2010) đạt 63.000 tỷ đồng, tăng 9,52% so với cùng kỳ năm 2021 (kế hoạch 9% trở lên). Tốc độ tăng trưởng GRDP đứng thứ 6/11 tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng và thứ 18/63 tỉnh trong cả nước.
Quy mô GRDP theo giá hiện hành tỉnh Thái Bình đứng thứ 8/11 tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 22/63 tỉnh trong cả nước. GRDP bình quân đầu người năm 2022 ước đạt 58,9 triệu đồng. Về cơ cấu GRDP, khu vực Nông lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm 21,2%; khu vực Công nghiệp - Xây dựng chiếm 42,9%; khu vực Dịch vụ chiếm 29,6%; thuế sản phẩm chiếm 6,3%.
Tăng trưởng GRDP Thái Bình giai đoạn 2013-2022. Nguồn: Cục Thống kê địa phương
Về tình hình thu hút đầu tư, năm 2021, tỉnh thu hút được 89 dự án với tổng vốn đăng ký 20.041 tỷ đồng, tăng gấp 4,7 lần so với năm 2020, trong đó có 8 dự án FDI với vốn trên 545 triệu USD đưa Thái Bình vươn lên đứng thứ 15/63 tỉnh, thành phố về thu hút số lượng và quy mô dự án FDI. Năm 2022, tỉnh thu hút được 104 dự án với tổng số vốn khoảng 32.000 tỷ đồng, gấp 1,6 lần so với năm 2021, trong đó vốn FDI trên 660 triệu USD.
Nhằm tạo ra lợi thế thu hút đầu tư, ngay từ năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, cấp ủy, chính quyền tỉnh đã xác định tập trung chỉ đạo tạo sự chuyển biến trong công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch phục vụ các dự án phát triển kinh tế. Đến nay, hàng nghìn héc-ta đất của Khu kinh tế, 8 khu công nghiệp, 49 cụm công nghiệp đã được giải phóng mặt bằng phục vụ cho nhà đầu tư triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật đáp ứng các dự án thứ cấp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Liên quan đến tình hình thu chi - ngân sách, báo cáo cho biết, trong năm 2022, tổng thu ngân sách Nhà nước ước thực hiện năm 2022 đạt 27.903 tỷ đồng, đạt 155% so với dự toán, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, thu nội địa ước đạt 12.469 tỷ đồng, tăng 18,4%; thu thuế xuất nhập khẩu ước đạt 3.000 tỷ đồng, tăng 58,7%.
Tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện năm 2022 đạt 23.078 tỷ đồng, đạt 152% so với dự toán, tăng 27% so với cùng kỳ; trong đó: chi phát triển kinh tế ước đạt 11.033 tỷ đồng, tăng 57%; chi tiêu dùng thường xuyên ước đạt 10.066 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước.
Đến tháng 1/2023, tổng thu ngân sách Nhà nước ước tính đạt 1.521 tỷ đồng, đạt 7,2% so với dự toán, giảm 24,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nội địa ước đạt 699 tỷ đồng, giảm 17,5%; thu thuế xuất nhập khẩu ước đạt 200 tỷ đồng, giảm 47,8%; trợ cấp ngân sách trung ương ước đạt 620 tỷ đồng, giảm 19,5%.
Tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện tháng 1/2023 ước đạt 1.015 tỷ đồng, tăng 86,9% so với cùng kỳ. Trong đó, chi phát triển kinh tế ước đạt 404 tỷ đồng, tăng 135,7%; chi tiêu dùng thường xuyên ước đạt 609 tỷ đồng, tăng 64,3% so với cùng kỳ năm trước.