Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước trong tháng 12/2022 đạt 56,32 tỷ USD, giảm 1,7% so với tháng 11, tương ứng giảm 975 triệu USD. Trong đó, xuất khẩu là 29,03 tỷ USD, tăng 10 triệu USD so với tháng 11, nhập khẩu là 27,29 tỷ USD, giảm 3,5%, tương ứng giảm 985 triệu USD.
Tính cả năm 2022, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 730,2 tỷ USD, tăng 9,1% (tương ứng tăng 61,2 tỷ USD) so với năm 2021. Trong đó, trị giá xuất khẩu là 371,3 tỷ USD, tăng 10,5%, tương ứng tăng 35,14 tỷ USD so với năm trước; trị giá nhập khẩu là 358,9 tỷ USD, tăng 7,8%, tương ứng tăng 26,06 tỷ USD.
Cán cân thương mại hàng hóa trong tháng 12 thặng dư 1,74 tỷ USD, đưa mức thặng dư thương mại hàng hóa cả năm 2022 lên 12,4 tỷ USD. Xét trong 63 tỉnh, thành 10 địa phương xuất siêu lớn nhất trong năm 2022 gồm có: Thái Nguyên, Bình Dương, Bắc Ninh, Đồng Nai, Hải Phòng, Tiền Giang, Hải Dương, Bắc Giang, Bình Phước, Long An.
10 địa phương xuất siêu lớn nhất trong năm 2022. Nguồn: Tổng cục Hải quan.
Thái Nguyên là địa phương xuất siêu lớn nhất trong 63 tỉnh, thành. Cụ thể, năm 2022, Thái Nguyên xuất siêu 11,6 tỷ USD. Theo đó, Thái Nguyên là tỉnh duy nhất xuất khẩu trên 10 tỷ USD trong năm 2022.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Thái Nguyên gồm: Sản phẩm điện tử; sản phẩm may; kim loại màu và tinh quặng kim loại màu; phụ tùng vận tải; giấy và các sản phẩm từ giấy… Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu của Thái Nguyên gồm có: Nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc; sản phẩm từ sắt thép; máy móc thiết bị và dụng cụ phụ tùng; vải và nguyên phụ liệu dệt may…
Trong nửa cuối tháng 12/2022, Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên ngừng vận hành nhà máy để phục vụ công tác kiểm kê, bảo trì và sửa chữa dây chuyền sản xuất nên kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trong tháng 12 tuy tăng so với tháng trước đó nhưng lại giảm 15,2% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tỉnh trong năm 2022 chưa đạt 100% kế hoạch nhưng cán cân thương mại hàng hóa lại đạt mức xuất siêu tương đối cao. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt trên 31 tỷ USD, bằng 96,6% kế hoạch năm và tăng 6,6% so với năm trước; kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 18,3 tỷ USD, tăng 3,3% so với năm trước.
Tính chung cả năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên tăng gần 7% so với năm 2021.
Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên, hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh có nhiều thuận lợi là nhờ việc thu hút được các nhà đầu tư. Cụ thể, các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm đến cơ hội đầu tư tại Thái Nguyên, trong đó có nhiều dự án sản xuất chủ yếu phục vụ nhu cầu xuất khẩu.
Ngoài ra, hiện đang có nhiều doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn đã xin tăng vốn mở rộng sản xuất tại tỉnh. Theo đó, đây là cơ hội hứa hẹn đóng góp vào giá trị tăng thêm của chỉ tiêu xuất nhập khẩu tại tỉnh.
Trong đó, một số dự án của các doanh nghiệp lớn như: Công ty TNHH Samsung Electro-Mechanics Việt Nam đã quyết định mở rộng sản xuất trị giá 920 triệu USD ngay từ đầu năm 2022, công ty Sunny Opotech cam kết với tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp đầu tư mở rộng sản xuất bằng việc đầu tư dự án thứ 2 khoảng 350 triệu USD…
Đối với tỉnh Thái Nguyên, giá trị xuất khẩu địa phương trong những năm gần đây luôn tăng trưởng trên 10%/ năm, điều này đóng góp trực tiếp vào chỉ tiêu giá trị xuất khẩu trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, hàng chục nhà đầu tư, dự án đang trong giai đoạn nghiên cứu và hoàn tất thủ tục, đây là cơ hội để tỉnh Thái Nguyên bứt phá về giá trị sản xuất công nghiệp và giá trị xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh trong những năm tới đây.