Tháng 1/2023 là tháng có Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán diễn ra trọn trong tháng nên số ngày làm việc ít hơn tháng trước và tháng 1/2022 . Vì vậy, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước đều giảm.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 1/2023 ước đạt 46,56 tỷ USD, giảm 17,3%, so với tháng trước và giảm 25% so với cùng kỳ năm trước (trong đó xuất khẩu giảm 21,3%; nhập khẩu giảm 28,9% ). Cán cân thương mại hàng hóa tháng 1/2023 ước tính xuất siêu 3,6 tỷ USD.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1/2023 ước đạt 25,08 tỷ USD, giảm 13,6% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 6,44 tỷ USD, giảm 18%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 18,64 tỷ USD, giảm 12%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng Một giảm 21,3%. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước giảm 27,1%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 19%.
Trong tháng 1/2023 có 7 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên, chiếm 66,6% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu tháng 1/2023, hàng nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 258 triệu USD, chiếm 1%; hàng công nghiệp chế biến ước đạt 22,32 tỷ USD, chiếm 89%; hàng nông sản, lâm sản ước đạt 1,9 tỷ USD, chiếm 7,6%; hàng thủy sản ước đạt 0,6 tỷ USD, chiếm 2,4%.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 1/2023 ước đạt 21,48 tỷ USD, giảm 21,3% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 7,48 tỷ USD, giảm 26,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 14 tỷ USD, giảm 18,1%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 1/2023 giảm 28,9%. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước giảm 25,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 30,4%.
Trong tháng 1/2023 có 3 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá từ 1 tỷ USD trở lên, chiếm tỷ trọng 37,2% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 1/2023, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 7,6 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 8,1 tỷ USD.
Tháng 1/2023 xuất siêu sang thị trường EU ước đạt 1,8 tỷ USD, giảm 45% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang thị trường Nhật Bản 100 triệu USD giảm 65,3%; nhập siêu từ Trung Quốc 3,4 tỷ USD, giảm 52,6%; nhập siêu từ Hàn Quốc 2,5 tỷ USD, giảm 20,9%; nhập siêu từ thị trường ASEAN 1,3 tỷ USD, tăng 74,3%.
Cán cân thương mại hàng hóa trong tháng 1 thặng dư 3,6 tỷ USD. Xét trong 63 tỉnh, thành 10 địa phương xuất siêu lớn nhất trong năm 2022 gồm có: Thái Nguyên, Bắc Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, Hải Phòng, Bắc Giang, Long An, Hải Dương, Tiền Giang, Bình Phước.
10 địa phương xuất siêu lớn nhất trong tháng 1/2023. Nguồn: Tổng cục Hải quan.
Thái Nguyên là địa phương xuất siêu lớn nhất trong 63 tỉnh, thành. Cụ thể, trong tháng 1/2023, Thái Nguyên xuất siêu 1,08 tỷ USD. Theo đó, Thái Nguyên là tỉnh duy nhất xuất khẩu trên 1 tỷ USD trong tháng 1/2023.
Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh ước đạt trên 2,55 tỷ USD, tăng 25,4% so với tháng trước nhưng giảm 29,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo Cục Thống kê Thái Nguyên, giá trị xuất khẩu giảm vì nhóm hàng điện thoại, máy tính bảng và hàng điện tử khác ước đạt 1,66 tỷ USD (chiếm gần 92% tổng giá trị xuất khẩu) giảm hơn 31% so với cùng kỳ.
Trong tổng số 7 nhóm hàng hóa xuất khẩu chủ yếu của tỉnh, 3/7 nhóm có giá trị xuất khẩu trong tháng 1/2023 ước đạt cao hơn cùng kỳ, gồm: Nhóm phụ tùng vận tải đạt 0,7 triệu USD, tăng 36,9%; nhóm sản phẩm may đạt 42,4 triệu USD, tăng 9,5%; nhóm giấy và các sản phẩm từ giấy đạt 0,4 triệu USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ.
4/7 nhóm hàng hóa còn lại có giá trị xuất khẩu trong tháng ước đạt thấp hơn so với cùng kỳ: Nhóm điện thoại thông minh, máy tính bảng và sản phẩm điện tử khác ước đạt 1,66 tỷ USD, giảm 31%; nhóm kim loại màu và tinh quặng kim loại màu đạt 25,4 triệu USD, giảm 4,7%; chè các loại đạt 0,2 triệu USD, giảm 5,7%; sản phẩm từ sắt thép đạt 2,6 triệu USD, giảm 18,7%.