Bộ Tài chính cho biết, có 12 Bộ và 17 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 80% trong năm 2022.
Một số Bộ và cơ quan có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Hội Nhà văn (100%), Thanh tra Chính phủ (100%), Liên minh các Hợp tác xã Việt Nam (100%), Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (99,47%), Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam (92,62%).
Cùng với đó, 5 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất cả nước năm 2022 gồm có: Ninh Bình (96,7%), Hà Nam (94,3%), Bình Định (93,6%), Kiên Giang (90,6%), Phú Thọ (90,3%).
Như vậy, Ninh Bình là địa phương duy nhất có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 95%. Cụ thể, giải ngân vốn đầu tư công của Ninh Bình khoảng 6.206 tỷ đồng, đạt 96,7% so với kế hoạch trong năm 2022.
Theo UBND tỉnh Ninh Bình, có được kết quả giải ngân đầu tư công cao là do tỉnh đã chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch đầu tư công từ sớm, bài bản, đúng trình tự, thủ tục theo quy định, phù hợp với khả năng huy động nguồn lực; việc bố trí vốn đảm bảo tập trung, không dàn trải, có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo hiệu quả vốn đầu tư.
Năm 2022, tổng sản phẩm xã hội (GRDP) trên địa bàn toàn tỉnh Ninh Bình (theo giá so sánh 2010) ước tính đạt 49.638,8 tỷ đồng, tăng 8,62 % so với năm 2021. Cùng với đó, ước tính tổng sản phẩm xã hội (GRDP) trên địa bàn toàn tỉnh năm 2022 (theo giá hiện hành) đạt trên 81.775,5 tỷ đồng.
Nền kinh tế của tỉnh từng bước phục hồi, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và các cơ sở tăng trưởng trở lại đã tác động tích cực đến kết quả thu, chi ngân sách Nhà nước trong năm 2022. Tổng thu ngân sách năm 2022 ước đạt 23.300,0 tỷ đồng, vượt 16,4% dự toán năm và tăng 11,3% so với năm trước.
Năm 2022, tổng giá trị xuất, nhập khẩu cả năm của Ninh Bình đạt 6.500,5 triệu USD, tăng 5,7% (351 triệu USD) so với năm 2021. Trong đó, tổng giá trị xuất khẩu cả năm ước đạt trên 3.182,0 triệu USD, vượt 13,6% kế hoạch năm và tăng 7,7% so với năm trước. Tổng giá trị nhập khẩu năm 2022 ước đạt 3.318,5 triệu USD, đạt 107,0% kế hoạch năm và tăng 3,9% so với năm 2021.
Ngay từ đầu năm, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh Ninh Bình xác định đầu tư công là động lực góp phần thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế; phát triển cơ sở vật chất và kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng thường xuyên quan tâm hỗ trợ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh. Trong năm 2022, nhiều dự án có vai trò chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh được khởi công, hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn toàn tỉnh năm 2022 ước đạt 29.949,7 tỷ đồng, vượt 10,3% kế hoạch năm và tăng 10,1% so với năm 2021. Chia ra: vốn Nhà nước đạt 5.531,8 tỷ đồng, tăng 1,2%; vốn ngoài Nhà nước đạt 21.109,7 tỷ đồng, tăng 4,7%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 3.308,2 tỷ đồng, gấp 2,1 lần.
Một số công trình, dự án chủ yếu trong năm 2022 có khối lượng vốn đầu tư thực hiện lớn thuộc khu vực đầu tư công đã được tỉnh nỗ lực triển khai như: Dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Ninh Bình (Giai đoạn 1) ước đạt 223,4 tỷ đồng; dự án xây dựng tuyến đường ĐT.482 kết nối quốc lộ 1A với quốc lộ 10 ước đạt 191,0 tỷ đồng; dự án cải tạo nâng cấp đường ĐT.477 đoạn từ ngã ba Gián Khẩu đến hết phạm vi khu 50 ha mở rộng KCN Gián Khẩu ước đạt 115,0 tỷ đồng…
Cùng với đó, một số dự án trong khu vực đầu tư công khác được tỉnh Ninh Bình thực hiện trong năm 2022 là: Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường T21 (đường Lê Duẩn) ước đạt 74,8 tỷ đồng; dự án xây dựng tuyến đường Đông – Tây tỉnh Ninh Bình (Giai đoạn 1) ước đạt 72,0 tỷ đồng; dự án xây dựng đường vành đai thị trấn Yên Thịnh, huyện Yên Mô ước đạt 60,0 tỷ đồng…