Trong số tất cả các khu vực hành chính cấp tỉnh ở Trung Quốc, tỉnh Quảng Đông đã duy trì vị trí số 1 về tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) kể từ năm 1989. Theo số liệu năm 2021, GRDP của tỉnh Quảng Đông đạt 12,4 nghìn tỷ nhân dân tệ, tương đương 1,93 nghìn tỷ USD.
Trong khi đó, Liên bang Nga là quốc gia lớn nhất thế giới với diện tích 17 triệu km2 và dân số khoảng 146 triệu người. Theo số liệu năm 2021 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga vào khoảng 1,65 nghìn tỷ USD.
Trang Baijiaohao của Trung Quốc nhận định, nếu chỉ so sánh mỗi số liệu đơn thuần về GDP, sẽ khó hình dung được quy mô kinh tế của tỉnh Quảng Đông và nước Nga, mà cần tìm hiểu cơ cấu kinh tế của hai nơi này để xem sự khác biệt là gì.
Tỉnh Quảng Đông
Theo trang Baijiahao, trước những năm 1970, nền kinh tế của tỉnh Quảng Đông vẫn dưới mức trung bình của cả nước Trung Quốc. Nhưng với công cuộc cải cách mở cửa, Quảng Đông đã trở thành "đầu cầu mở cửa" của Trung Quốc với thế giới bên ngoài. Các đặc khu kinh tế như Thâm Quyến, Chu Hải, Sán Đầu liên tiếp được thành lập, đã thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh này “cất cánh”.
Thâm Quyến - Đặc khu kinh tế số 1 Trung Quốc - nằm ở phía nam tỉnh Quảng Đông. Ảnh: Baijiahao
Thay đổi lớn nhất của tỉnh Quảng Đông là ngành công nghiệp chế tạo đã phát triển hoàn chỉnh, đặc biệt là các lĩnh vực sản xuất thiết bị gia dụng, hóa dầu, sản xuất đồ chơi, dệt may... cũng như lĩnh vực thông tin điện tử đang nổi lên trong thế kỷ 21, bao gồm thiết bị đầu cuối thông minh, truyền thông, thiết kế mạch điện tử tích hợp...
Ngược lại, mặc dù nông nghiệp của tỉnh Quảng Đông cũng phát triển nhanh chóng, nhưng tỷ trọng của ngành này trong GRDP toàn tỉnh đã giảm dần.
Theo dữ liệu năm 2021, ở tỉnh Quảng Đông, khu vực thứ nhất của nền kinh tế (nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp, khai khoáng) chiếm 4%, khu vực thứ hai của nền kinh tế (chế tạo và xây dựng) chiếm 40,4%, và khu vực ba của nền kinh tế (khu vực dịch vụ hay công nghiệp dịch vụ) chiếm 55,6%.
Công nghiệp dịch vụ ở tỉnh Quảng Đông chủ yếu là bán buôn và bán lẻ, lưu trú và ăn uống, truyền thông và phần mềm, vận chuyển, lưu trữ và dịch vụ bưu chính, cho thuê và dịch vụ kinh doanh...
Liên bang Nga
Theo trang Baijiahao, sau khi Liên Xô tan rã, Nga không chỉ được thừa hưởng nhiều lãnh thổ nhất, mà còn được thừa hưởng một lượng lớn tài nguyên thiên nhiên, nhân tài, công nghệ và các ngành nghề bao gồm: công nghiệp luyện kim, đóng tàu, hóa dầu, hàng không, năng lượng hạt nhân, sản xuất ô tô...
Các toa tàu chở dầu và khí hóa lỏng tại nhà ga Yanichkino, Moscow, Nga. Ảnh: Getty Images
Tuy nhiên, xã hội Nga đã trải qua những bất ổn trong thời gian dài, dẫn đến một thời kỳ suy thoái kinh tế. Từ thế kỷ 21, nền kinh tế Nga bắt đầu phục hồi, xuất khẩu ngoại thương tăng trưởng mạnh, môi trường đầu tư được cải thiện và thu nhập của người dân cũng được nâng cao đáng kể.
Theo trang Baijiahao, nền kinh tế Nga phụ thuộc phần lớn vào hoạt động xuất khẩu năng lượng hóa thạch, quặng và các sản phẩm nông nghiệp. Hình bên dưới là cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu của Nga năm 2019, có thể thấy tỷ lệ xuất khẩu các mặt hàng kể trên chiếm hơn 60%.
Cơ cấu các mặt hằng xuất khẩu của Nga năm 2019. Nguồn: Baijiahao
Trang Baijiahao nhận định rằng, người Nga đang dựa nhiều vào tài nguyên thiên nhiên để làm giàu; khi xu hướng giá cả hàng hóa tốt thì nền kinh tế sẽ tốt và ngược lại. Còn ở Quảng Đông, Trung Quốc, người dân lại tận dụng triệt để lợi thế về vị trí địa lý và sự hỗ trợ của chính sách để tạo ra của cải vật chất.
Theo trang Baijiaohao, tài nguyên, môi trường, văn hóa của mỗi nơi là khác nhau, điều này cũng quyết định phương thức phát triển khác nhau của người dân mỗi nơi. Chỉ cần có thể tận dụng lợi thế của mình để không ngừng tạo ra của cải vật chất, nâng cao chất lượng cuộc sống, thì đó là điều tốt.