Thống kê số liệu từ BCTC quý II/2018 của 15 ngân hàng đang niêm yết trên sàn cho thấy, tính đến ngày 30/6/2018, tổng nợ xấu của 15 ngân hàng ở mức gần 70,9 nghìn tỷ đồng, tăng 9,8% so với đầu năm.
Trong đó, tổng nợ nhóm 5, tức nợ có khả năng mất vốn tính đến cuối tháng 6 cũng tăng 17,9% so với đầu năm, lên mức gần 38,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 54% tổng nợ xấu, trong khi con số này hồi cuối năm 2017 ở mức 50,2%.
Về giá trị tuyệt đối, 11/15 ngân hàng có số nợ xấu tăng trong 6 tháng đầu năm. Dù vậy, nhờ đẩy mạnh tín dụng nên chỉ có 9/15 nhà băng có tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ gia tăng.
Trong số 15 ngân hàng thì có 2 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu ở mức trên 3% bao gồm VPBank và Sacombank, tuy nhiên, một điều đáng mừng là tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng này đều có xu hướng giảm so với kỳ trước.
Cụ thể, VPBank vẫn là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất trong nhóm khảo sát, chiếm 4,07%/tổng cho vay, tuy nhiên, so với con số cuối quý I/2018 là 4,15% thì đã có cải thiện.
Bên cạnh đó, dù tỷ lệ nợ xấu ở mức khá cao nhưng số nợ xấu này chủ yếu tập trung ở nhóm 3, tức nợ dưới tiêu chuẩn, chiếm 59,2% tổng nợ xấu trong khi nợ có khả năng mất vốn chỉ chiếm 19,9%.
Sacombank là ngân hàng đứng thứ hai trong nhóm khảo sát về tỷ lệ nợ xấu, ở mức 3,7%. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận một thực tế là trong thời gian qua ngân hàng đã có những nỗ lực lớn trong việc xử lý nợ xấu khi đưa được tỷ lệ nợ xấu từ mức 4,67% hồi đầu năm về 4,01% hồi cuối quý I và tiếp tục có xu hướng giảm trong quý II.
Trong khi đó, SHB lại là một trong những ngân hàng có nợ xấu tăng khá mạnh trong 6 tháng đầu năm với mức tăng 1 nghìn tỷ đồng, lên hơn 5,6 nghìn tỷ đồng, tương đương mức tăng 21,7%.
Trong đó, nợ có khả năng mất vốn ở mức 3.273 tỷ đồng, tăng 14,2% và chiếm 58,2% tổng nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng theo đó cũng tăng khá mạnh, từ mức 2,34% đầu năm lên 2,7%/tổng cho vay. Đây cũng là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao thứ ba trong nhóm khảo sát.
Tương tự, Techcombank cũng thuộc nhóm ngân hàng có tốc độ tăng trưởng nợ xấu cao khi kết thúc quý II/2018, ngân hàng có 3.396 tỷ đồng nợ xấu, tăng tới 31,44% so với đầu năm. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn ở mức 1.982 tỷ đồng, tăng 27,6% so với đầu năm và chiếm 58,4% tổng nợ xấu.
Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng hiện ở mức 2,04%/tổng cho vay, tăng khá mạnh so với mức 1,62% hồi đầu năm.
Ở chiều ngược lại, trong kỳ qua cũng chứng kiến khá nhiều ngân hàng giảm được tỷ lệ nợ xấu so với đầu năm như BIDV (giảm từ 1,62% về 1,49%), Eximbank (giảm từ 2,27% về 2,2%), VIB (giảm từ 2,49% về 2,33%), Sacombank (giảm từ 4,67% về 3,7%), LienVietPostBank (giảm từ 0,73% về 0,58%) và HDBank (giảm từ 1,52% về 1,43%).
Điều này cho thấy một tín hiệu đáng mừng, là quá trình xử lý nợ xấu của các TCTD đã được đẩy nhanh hơn. Thuyết minh BCTC cũng cho thấy, các TCTD cũng hạn chế chuyển nợ sang VAMC mà tích cực xử lý nợ xấu qua các hình thức như bán nợ, phát mại tài sản đảm bảo và sử dụng dự phòng rủi ro…
Chi phí dự phòng tiếp tục tăng
Như đã nói ở trên, ngoài việc bán nợ, phát mại tài sản đảo bảo, thì chi phí dự phòng rủi ro cũng là một trong những phương án phổ biến các ngân hàng đang sử dụng để xử lý nợ xấu.
Thống kê từ BCTC cho thấy, tổng mức trích lập của 15 ngân hàng trong 6 tháng đầu lên tới 28.984 tỷ đồng, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có tới 9 ngân hàng tăng trích lập dự phòng so với cùng kỳ, với mức tăng từ 3% đến hơn 500%.
Như những kỳ trước, BIDV vẫn là một trong những ngân hàng mạnh tay tăng trích lập dự phòng nhất khi dành tới hơn 10 nghìn tỷ đồng cho việc trích lập trong 6 tháng đầu năm, tăng 58% so với cùng kỳ.
Khoản trích lập chiếm tới 66,5% tổng lợi nhuận thuần khiến cho BIDV chỉ ghi nhận lợi nhuận trước thuế 5.036 tỷ đồng trong 6 tháng và bị “văng” khỏi top 3 về lợi nhuận trong hệ thống, nhường ghế lại cho một ngân hàng TMCP tư nhân là Techcombank.
VPBank là ngân hàng trích lập dự phòng cao thứ hai trong nhóm, với mức trích lập lên tới 5.446 tỷ đồng, tăng 36,2% so với cùng kỳ và chiếm 55,4% lợi nhuận thuần.
Trong khi đó, xét về tốc độ tăng trưởng trích lập, Sacombank đang là ngân hàng giữ vị trí quán quân. Nếu như trong 6 tháng đầu năm 2017, ngân hàng chỉ dành 85 tỷ đồng (chiếm 12,9% lợi nhuận thuần) cho việc trích lập thì sang đến 6 tháng đầu năm nay, con số này đã tăng vọt lên tới 514 tỷ đồng, tương đương mức tăng gấp 6 lần và chiếm tới 34% lợi nhuận thuần.
TPBank cũng nằm trong top những ngân hàng tăng mạnh trích lập dự phòng khi dành tới 372 tỷ đồng cho việc trích lập, tăng 66% so với cùng kỳ.
Dù con số trích lập dự phòng tăng khá mạnh và chiếm một phần khá lớn trên BCTC nhưng điều đáng mừng là lợi nhuận của các ngân hàng vẫn tăng mạnh so với cùng kỳ. Trong đó, cá biệt có nhiều ngân hàng có lợi nhuận trước thuế trong nừa đầu năm 2018 tăng vọt hơn 100% so với cùng kỳ năm trước gồm VIB tăng 200%, ACB tăng 150%, Eximbank tăng 132%, HDBank tăng 134% và TPBank tăng 112%.