CPI năm 2018 tăng 3,54% so với năm 2017, cao hơn nhiều so với mức 2,6% năm 2017, mặc dù đây năm thứ 5 liên tiếp lạm phát ổn định ở dưới 5%. Lạm phát cơ bản thấp (1,48%) phản ánh sức ép lạm phát chủ yếu từ phía chi phí đẩy. Nguyên nhân chủ yếu là do giá thực phẩm và xăng dầu tăng (theo xu hướng chung của thế giới cũng như tác động của những lần điều chỉnh giá xăng dầu trong nước). Sức ép tăng tỷ giá cũng có tác động đến lạm phát năm 2018. Với cấu trúc sản xuất hiện nay là thiếu công nghiệp phụ trợ phát triển, dựa phần lớn vào đầu vào và công nghệ từ bên ngoài, thì tác động của tăng tỷ giá làm gia tăng tổng cầu có thể thấp hơn nhiều so với tác động làm giảm tổng cung do chi phí đầu vào gia tăng, dẫn đến nguy cơ làm tăng lạm phát.
Hình 1: Tăng trưởng tín dụng, tổng phương tiện thanh toán và lạm phát - Nguồn: Tổng hợp từ số liệu của Tổng cục Thống kê và Ngân hàng Nhà nước
Tỷ giá năm 2018 có nhiều thời điểm biến động mạnh, bởi đối mặt cùng lúc với 2 sức ép lớn. Thứ nhất là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và đồng Nhân dân tệ (NDT) giảm giá. Đồng NDT đã mất giá hơn 5% kể từ đầu năm 2018 và việc giảm giá hơn nữa đồng NDT có thể tiếp tục là một phản ứng của Trung Quốc để chống đỡ tác động của chiến tranh thương mại. NDT giảm giá lại là một sức ép lớn đối với VND, hàng Trung Quốc giá rẻ hơn sẽ cạnh tranh trực tiếp với các hàng Việt Nam trên các thị trường xuất khẩu lớn, trong khi nhập khẩu gia tăng mạnh từ Trung Quốc trong bối cảnh Việt Nam đang có thâm hụt thương mại quy mô rất lớn từ Trung Quốc.
Thứ hai là FED liên tục gia tăng lãi suất (xuất phát từ kinh tế Mỹ mạnh hơn và tỷ lệ thất nghiệp giảm). Lãi suất USD tăng lên đặt trong chu kỳ dài hạn sẽ khiến các dòng vốn rút khỏi nhiều nơi. Cho dù Mỹ tăng lãi suất, hầu hết các nước đang phát triển và mới nổi lại muốn duy trì chính sách nới lỏng để giữ đồng nội tệ yếu, khuyến khích xuất khẩu và tăng trưởng trong bối cảnh không có nhiều công cụ để ứng phó với những bất lợi từ thế giới như hiện nay. Với một nền kinh tế có độ mở lớn cùng một cơ chế điều hành tỷ giá như hiện nay, giá trị VND sẽ gia tăng so với hàng loạt các nước bạn hàng chủ chốt của Việt Nam như EU, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, các nước ASEAN…, ảnh hưởng đến xuất khẩu và cán cân thương mại, theo đó gây những căng thẳng cho thị trường ngoại hối.
Hình 2. Biến động tỷ giá chính thức và tự do - Nguồn: Tổng hợp từ số liệu NHNN và tự tổng hợp
Với những sức ép lớn trên, tỷ giá VND/USD đã có xu hướng gia tăng, tỷ giá Ngân hàng thương mại cũng như tỷ giá tự do tăng cao sát biên trên, đặc biệt là ở nửa cuối năm 2018. Cho đến cuối năm 2018, trong khi tỷ giá trung tâm tăng khoảng gần 2% thì tỷ giá Ngân hàng thương mại đã tăng gần 3% so với đầu năm. Ngân hàng nhà nước đã tích cực can thiệp vào thị trường ngoại hối để giữ ổn định tỷ giá. Với quy mô dự trữ ngoại hối cao như hiện nay thì khả năng giữ ổn định tỷ giá ở mức độ hợp lý là có thể thực hiện được trong ngắn hạn.
Chính sách tiền tệ năm 2018 thắt chặt hơn so với năm 2017 (cung tiền tăng 11,34% so với 14,19% năm 2017; tín dụng tăng 13,3% so với 16,96% năm 2017). Lãi suất của nền kinh tế cũng ở tình thế khó giảm sâu hơn nữa. Trong suốt năm 2018, các mức lãi suất huy động và lãi suất liên ngân hàng thậm chí đã tăng cao hơn so với năm 2017.
Hình 3. Lãi suất chính sách và lãi suất liên ngân hàng - Nguồn: số liệu theo NHNN
Sức ép gia tăng tỷ giá khiến Ngân hàng nhà nước không thể giảm hơn nữa mức lãi suất để giữ giá trị tiền đồng, đảm bảo chênh lệch lãi suất VND – USD đủ hấp dẫn để tránh tình trạng đầu cơ ngoại tệ. Lạm phát gia tăng cũng khiến lãi suất danh nghĩa có xu hướng gia tăng. Ngoài ra, các chính sách đảm bảo an ninh và lành mạnh hệ thống cũng gián tiếp tác động khiến lãi suất tăng (ví dụ chính sách giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn được phép sử dụng để cho vay dài hạn giảm xuống 40% kể từ 1/1/2019 khiến cho nhu cầu huy động vốn dài hạn của các ngân hàng gia tăng; các Ngân hàng thương mại chuẩn bị tăng vốn cấp 2 theo Basel II).
Việc FED tăng lãi suất cũng gây sức ép đến lãi suất trong nước nếu không muốn các dòng vốn chảy ra khỏi nền kinh tế. Với mục tiêu điều hành chính sách là kiểm soát lạm phát và giữ ổn định tỷ giá, lãi suất sẽ bị tác động mạnh và khó có thể giảm xuống để hỗ trợ được tăng trưởng.
Ngoài ra, đến cuối năm 2018, tỷ trọng M2/GDP lên đến 168% và tín dụng/GDP khoảng 134% (Uỷ ban Giám sát Tài chính quốc gia, 2018), là mức cao nhất so với các nước trong khu vực, do tốc độ tăng cung tiền và tín dụng cao hơn từ hai đến ba lần so với tốc độ tăng trưởng trong nhiều năm qua, gây sức ép rủi ro ổn định tài chính, đặc biệt là khi vấn đề nợ xấu vẫn chưa được giải quyết triệt để. Bên cạnh đó, dư địa chính sách tiền tệ cũng bị thu hẹp đáng kể.
Về tình hình ngân sách, theo Uỷ ban Giám sát Tài chính quốc gia (2018), trong năm 2018, thu ngân sách ước tăng 5,5% so với năm 2017, đạt 103% dự toán cả năm. Chi ngân sách tăng 6,9%, đạt 102,6% dự toán cả năm. Cơ cấu thu ngân sách cho thấy, thu từ dầu thô, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu có xu hướng giảm. Thu từ nội địa (trừ tiền đất) chiếm tỷ trọng ngày càng lớn, chiếm khoảng 2/3 tổng thu ngân sách, nhưng gặp nhiều thách thức do nền kinh tế còn yếu. Trong khi đó, cơ cấu chi ngân sách cho thấy chi đầu tư phát triển đang có xu hướng giảm dần hoặc đi ngang, trong khi tốc độ tăng chi thường xuyên và tỷ trọng chi thường xuyên gia tăng nhanh chóng (khoảng 70% tổng chi ngân sách).
Chi ngân sách gia tăng nhanh trong khi thu ngân sách khó khăn nên thâm hụt Ngân sách nhà nước của Việt Nam ở mức cao trong nhiều năm qua, và đứng ở mức cao nhất so với các nước trong khu vực. Thâm hụt ngân sách của Việt Nam từ 2012 đến 2016 dao động ở mức 6 – 8% GDP. Năm 2017, thâm hụt ngân sách ở mức 3,48% GDP – do bắt đầu không tính chi trả nợ gốc theo quy định của Luật Ngân sách có hiệu lực từ 2017 và kinh tế hồi phục tốt. Tuy nhiên, mặc dù kinh tế tăng trưởng tốt hơn, bán vốn doanh nghiệp nhà nước và bán các tài sản nhà nước gia tăng, nhưng tỷ lệ thâm hụt ngân sách năm 2018 ở mức 3,67% GDP, tăng hơn so với năm 2017, mặc dù vẫn nằm trong ngưỡng Quốc hội phê duyệt (3,7%). Điều này phản ánh chi tiêu và kỷ luật tài khóa không được cải thiện.
Hình 4. Thâm hụt ngân sách Việt Nam (Ghi chú: Từ năm 2017, con số thống kê thâm hụt ngân sách không bao gồm chi trả nợ gốc) - Nguồn: Tổng hợp từ số liệu của Bộ Tài chính và Tổng cục Thống kê
Thâm hụt ngân sách cao qua các năm đã khiến nợ công hiện nay tăng lên nhanh chóng, và so với nhiều nước đang phát triển thì tỷ lệ nợ công của Việt Nam thuộc nhóm cao. Nợ công vẫn có xu hướng tăng từ năm 2012 đến 2017, từ 1.647 nghìn tỷ đồng vào năm 2012 đã tăng lên gần gấp đôi vào năm 2017 với 3.073 nghìn tỷ. Tỷ lệ nợ công trên GDP đạt 50,8% năm 2012 và tăng lên 61,37% năm 2017 và ước đạt 61,4% GDP năm 2018. Mặc dù tỷ lệ này vẫn nằm trong mức trần nợ công 65% mà Quốc hội cho phép, nhưng quy mô nợ gia tăng đang khiến mức chi trả nợ lãi vay ngày càng cao, theo đó, tỷ lệ ngân sách còn lại đầu tư cho phát triển suy giảm. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ/tổng thu Ngân sách nhà nước cũng đã tiệm cận đến ngưỡng rủi ro 25% (bao gồm cả trả trong cân đối và đảo nợ).
2012 | 2013 | 2014 | 2015 | 2016 | 2017 | |
Dư nợ công (nghìn tỷ đồng) | 1.647,1 | 1.952,6 | 2.284,8 | 2.556,0 | 2.863,9 | 3.073,5 |
GDP (nghìn tỷ đồng) | 3.245,4 | 3.584,3 | 3.937,9 | 4.192,9 | 4.502,7 | 5.007,8 |
Nợ công/GDP (%) | 50,8 | 54,5 | 58,0 | 61,0 | 63,6 | 61,4 |
Bảng 3. Quy mô nợ công 2012 – 2017- Nguồn: Tổng hợp từ số liệu của Bộ Tài chính
Tỷ lệ nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP đang có xu hướng tăng nhanh trong giai đoạn 2012 – 2017. Năm 2017, tỷ lệ này là 48,9%, ước tính năm 2018 là 49,7% GDP. Tỷ lệ này vẫn nằm trong ngưỡng Quốc hội cho phép, nhưng với xu hướng hiện nay thì khả năng tỷ lệ này vượt ngưỡng 50% là rất cao. Nguyên nhân chủ yếu là do quy mô vay nợ nước ngoài của các doanh nghiệp theo hình thức tự vay tự trả tăng nhanh. Đây là một dấu hiệu yêu cầu Chính phủ cần có các biện pháp quản lý nợ nước ngoài quốc gia chặt chẽ hơn.
Hình 5. Tỷ lệ nợ nước ngoài của quốc gia/GDP (%)