Hãng vận tải biển lớn nhất thế giới Maersk (Đan Mạch) trước đó tuyên bố rằng nhu cầu vận chuyển hàng hóa từ châu Á - Thái Bình Dương sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong suốt quý 2 năm nay.
"Song, lịch trình vận chuyển hiện đang bị ảnh hưởng bởi hai yếu tố chính: sự chậm trễ khi vận chuyển từ châu Âu qua kênh đào Suez gần đây, cùng với năng suất cảng ngày càng thấp, đặc biệt là trên các tuyến thương mại xuyên Thái Bình Dương và châu Âu", công ty cho hay.
Nhìn chung, tình trạng thiếu container rỗng vẫn là một "thách thức toàn ngành" khắp châu Á, Maersk nhận định. Đặc biệt, trong tuần này và tuần tới, các doanh nghiệp sẽ phải chứng kiến "tác động lớn nhất" bởi việc trì hoãn các container rỗng về châu Á, cũng như lợi nhuận nhập khẩu giảm mạnh.
Điều này sẽ ảnh hưởng đến hàng loạt cảng ở Trung Quốc và cả Busan (Hàn Quốc). Điển hình, trong khi lượng container 20ft của các hãng có thể được coi là "đủ", nhưng số lượng container 40ft thì lại không đáp ứng được nhu cầu.
Maersk giải thích: "Thượng Hải và Ninh Ba bị ảnh hưởng đáng kể nhất bởi khu vực này chiếm phần lớn nguồn cung chính cho châu Âu. Ngoài ra, việc chậm trễ như vậy sẽ ảnh hưởng đến công cuộc tái định vị ven biển".
Theo đó, hãng cũng dự báo tình hình từ ngày 3/5 sẽ được cải thiện và đến ngày 10/5, nguồn cung container rỗng sẽ trở lại trạng thái bình thường.
Bên cạnh đó, tình trạng thiếu thiết bị và tắc nghẽn cảng trong khu vực cũng đang ảnh hưởng đến các hoạt động thương mại nội Á. Số liệu từ nền tảng thông tin logistics Project44 nêu rõ, tuần trước, khoảng 370.000 teu trên đường đến Singapore, trong khi đó các tàu phải chờ 1,5 ngày để cập bến.
Charlie Chu, Phó Chủ tịch điều hành khu vực Thái Lan của hãng tàu RCL nhấn mạnh, tình trạng tắc nghẽn cảng đang trở nên "nghiêm trọng hơn nhiều" sau sự cố Ever Given. "Ước tính điều này sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ chuỗi cung ứng ít nhất là vài tuần".
"Ùn tắc chính hiện ở Singapore và Port Klang. Hơn nữa, một số cảng của Trung Quốc như Thượng Hải, Ninh Ba, Thanh Đảo và Shekou đang chịu ảnh hưởng bởi thời tiết xấu và tình trạng dồn tàu, khiến việc tắc nghẽn trở nên nghiêm trọng hơn".
"Ngoài ra, tốc độ quay vòng của các tàu và thùng hàng từ Mỹ và châu Âu chậm cũng tác động đến nguồn cung container nội Á. Đồng thời, một số nhà khai thác tuyến chính đã chuyển tàu từ nội Á sang các tuyến biển sâu, làm cạn kiệt nguồn cung cho thị trường trong khu vực". Bởi vậy, giá cước vận tải bị đẩy trở lại mức trước Tết Nguyên đán, sau khi thị trường đã "mềm" trong giai đoạn ngắn vừa qua.
Các hãng tàu cũng đang tiếp tục tăng năng lực cạnh tranh trong khu vực châu Á. Trong tháng này, hãng RCL cùng đối tác ONE đã khởi động một tuyến giữa Pusan, Qingtao và Thượng Hải đến Laem Chabang. Tuần trước, MSC đã cập nhật bốn tuyến nội Á nhằm cạnh tranh thời gian vận chuyển giữa Trung Quốc và Đông Nam Á, đặc biệt là từ Trung Quốc đến Việt Nam và Thái Lan, cùng các kết nối trực tiếp mới giữa Trung Quốc và Malaysia.
Grace Chia, tổng giám đốc thương mại văn phòng khu vực của MSC tại châu Á kết luận, nhiều công ty đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng, từ đó thúc đẩy tăng trưởng đối với các tuyến đường nội Á. "Một lượng lớn linh kiện, nguyên liệu thô và hàng bán thành phẩm đang được vận chuyển giữa các quốc gia ở châu Á trước khi thành phẩm được chuyển đến các khu vực khác".
Tham khảo The Loadstar