Sự phụ thuộc quá mức vào “công xưởng của thế giới” khiến các nước phải nhìn nhận lại vai trò của nước này trong chuỗi cung ứng hàng hóa. Những biện pháp để giảm lệ thuộc vào “mắt xích” này đã được đưa ra.
Phụ thuộc Trung Quốc
Phát biểu tại Diễn đàn hợp tác thương mại và công nghiệp với các đối tác châu Mỹ năm 2020 của Bộ Công Thương, ông Bùi Huy Sơn, Tham tán Công sứ, Thương mại Việt Nam tại Mỹ nhìn nhận, chuyển dịch chuỗi cung ứng là quá trình liên tục theo quy luật thị trường và vấn đề này sẽ ngày càng diễn ra mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Theo Liên Hợp Quốc, năm 2018, riêng Trung Quốc cung cấp tới 28% sản lượng toàn cầu. Từ năm 2018, vấn đề chuyển dịch chuỗi cung ứng bắt đầu thu hút nhiều sự quan tâm. Đó là bởi sự thay đổi đột ngột trong chính sách của Mỹ nhằm thu hút đầu tư “hồi hương” với mục tiêu “Nước Mỹ trên hết” (ví dụ điển hình như việc rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương; áp thuế nhôm, thép; đàm phán lại các FTA,...).
Chuối cung ứng toàn cầu đang có sự dịch chuyển. |
Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung ngày càng leo thang. Điều này đã tác động trực tiếp tới các doanh nghiệp tại thị trường Trung Quốc. Việc dịch Covid-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu là yếu tố chưa từng được dự báo, đã khiến thương mại toàn cầu bị ngưng trệ do một mắt xích.
Ông Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đánh giá, dịch Covid-19 không phải câu chuyện ngắn hạn mà là dài hạn. Covid-19 đẩy một số xu hướng vốn đã có trở nên nhanh hơn.
Thứ nhất là xu hướng về suy giảm kinh tế, thương mại. Xu hướng này đã, đang và sẽ tiếp tục ảnh hưởng dài hạn tới các nền kinh tế toàn cầu thời gian tới. Thứ hai là xu hướng chủ nghĩa bảo hộ. Covid-19 là một tác nhân quan trọng đẩy xu hướng này gia tăng thêm.
Ông Trần Toàn Thắng đặc biệt tập trung phân tích vào xu hướng thứ ba là xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng, tái cấu trúc chuỗi giá trị toàn cầu, đặc biệt là các chuỗi ở Trung Quốc.
“Covid-19 làm các quốc gia giật mình là đang phụ thuộc quá nhiều vào một nguồn cung. Vấn đề này hình thành từ giai đoạn trước, trong quá trình chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bùng nổ và kéo dài sang giai đoạn Covid-19 gần đây”, ông Thắng nói.
Thực tế, với vai trò là “công xưởng của thế giới”, Trung Quốc là một mắt xích không thể thiếu trong chuỗi giá trị, nơi gia công cho hàng hóa của các nước khác. Để có được chuỗi cung ứng khác song hành cùng chuỗi cung ứng ở Trung Quốc, nhiều quốc gia đã có những động thái của mình. Song, việc này không dễ diễn ra trong một sớm một chiều khi chuỗi cung ứng ở Trung Quốc vẫn chiếm nhiều ưu thế và đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế thế giới.
Giảm lệ thuộc “một mắt xích”
Thời gian gần đây, xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng đã diễn ra nhằm giảm sự lệ thuộc vào một “mắt xích”, tăng tính an toàn cho hệ thống, kèm theo đó là các lợi ích của mỗi quốc gia.
Điều này tạo ra cơ hội để các quốc gia khác có thể vươn lên để trở thành một phần trong chuỗi cung ứng hàng hóa trên thế giới. Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, Việt Nam được đánh giá đang và sẽ là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư châu Mỹ trong xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa có hồi kết |
Nhìn từ quan hệ với thị trường Canada, bà Đỗ Thu Hương, Tham tán thương mại Việt Nam tại Canada cho rằng, hiện doanh nghiệp Việt Nam có rất nhiều cơ hội hợp tác với doanh nghiệp Canada so với trước. Bởi lẽ, Chính phủ Canada những năm gần đây theo đuổi chính sách đa dạng hóa thương mại, ưu tiên phát triển quan hệ thương mại với châu Á.
Thứ hai là chiến tranh Mỹ - Trung ảnh hưởng trực tiếp tới chiến lược thị trường của một số doanh nghiệp Canada. Dịch bệnh làm lộ mặt trái cũng chuỗi cung ứng khiến doanh nghiệp phải xem xét lại chỗ mua hàng và sản xuất, đảm bảo cung ứng cho nhu cầu thị trường với mức giá rẻ. Châu Á vẫn được DN quan tâm trong thiết lập chuỗi cung ứng.
Việt Nam và Canada cùng là thành viên của hiệp định CPTPP, bà Đỗ Thu Hương cho rằng, DN 2 bên sẽ có nhiều cơ hội hợp tác hơn trong tương lai.
Gần đây các doanh nghiệp Canada tìm nhà cung ứng, tìm cơ sở đặt nhà máy của DN Canada tại Việt Nam khá nhiều, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiêp phụ trợ. Nhiều cầu cảng được lắp đặt tại Canada với trị giá 40-50 triệu USD được sản xuất tại Việt Nam và đem về lắp ráp tại Canada”, bà Hương chia sẻ.
Khi xây dựng Đề án hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đánh giá: Doanh nghiệp trong nước có cơ hội tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc các tập đoàn lớn đang có kế hoạch dịch chuyển hoặc tái cơ cấu chuỗi sản xuất theo hướng “Trung Quốc +1” mở ra cơ hội cho doanh nghiệp nội tham gia chuỗi cung ứng mới của thế giới. Qua đó, sẽ giúp cải thiện đáng kể chất lượng đầu tư về vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản trị, có thể góp phần hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế trong nước.
“Thông qua liên kết sản xuất với doanh nghiệp có vốn đầu tư của EU, Hoa Kỳ,... doanh nghiệp trong nước sẽ có cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng của các quốc gia phát triển và toàn cầu, được chuyển giao công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, góp phần tăng sức cạnh tranh và hiệu quả của nền kinh tế”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.
Tuy nhiên, cũng cần cảnh báo rằng vấn đề nào cũng có hai mặt. Các quốc gia có thể mở rộng cơ hội xuất khẩu hàng hóa vào nhiều thị trường, thì hàng hóa Trung Quốc cũng có thể tìm các “cửa” để bán vào những quốc gia khác với ưu thế giá rẻ, trong đó có Việt Nam. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng ở Việt Nam. Đó là chưa kể rủi ro hàng hóa "gian lận xuất xứ" Việt Nam để xuất đi Mỹ mà Việt Nam đang nêu cao cảnh giác.
Lương Bằng