Khủng hoảng vì đại dịch khiến các sân bay đối mặt tình huống nguy cấp, buộc họ tham gia vào những việc chưa từng làm trước đây.
Đại dịch như cơn bão quét qua các sân bay trên thế giới. Gặp khó khăn, thất thu là vậy, nhưng các sân bay vẫn phải mở cửa để đón khách. Mỗi sân bay đang phải tìm cách thích ứng với khó khăn hiện tại.
Sân bay Changi (Singapore) đang khuyến khích người dân dù không đi máy bay cũng tới đây mua sắm hàng miễn thuế tại các nhà bán lẻ đang ế khách. Sân bay cũng bán gói vào cửa 3 tháng đối với khu vực hoạt động của Jewel.
Changi đã giảm lượng khách hơn 99% trong tháng 4, 5 và 6 so với năm trước đó. Changi giảm công suất, bỏ không hai trong bốn nhà ga và hoãn kế hoạch xây nhà ga thứ 5.
Các sân bay không còn là thiên đường mua sắm |
Đây cũng là sân bay được đầu tư nhiều về cơ sở vật chất nhằm biến thành điểm đến mua sắm thượng lưu. Năm 2019, Changi có thêm Jewel, khu phức hợp vui chơi rộng gần 140.000m2 gồm các cửa hàng và địa điểm hấp dẫn như rừng mưa, mê cung hàng rào, thác nước trong nhà cao nhất thế giới,...
Ban quản lý sân bay ở thủ đô Lithuania đã nảy ra một sáng kiến thú vị. Họ tận dụng chính không gian đường băng đang bỏ trống để hỗ trợ tổ chức Liên hoan phim quốc tế Vilnius, một sự kiện văn hóa lớn đang diễn ra trong khu vực.
Rạp chiếu phim ngoài trời này không những đã giúp sự kiện thành công ngoài mong đợi mà còn mang đến một dịch vụ giải trí hiệu quả cho người dân địa phương giữa thời điểm đại dịch chưa hoàn toàn được dập tắt.
Tương tự, sân bay quốc tế Ontaria ở Nam California (Mỹ) đã mở rạp chiếu phim trong bãi đỗ xe hồi tháng 6 và 7.
Sân bay Munich (Đức) hồi tháng 6 đã đạt thỏa thuận với tập đoàn DHL Express để xây dựng kho hàng 82 triệu USD trên phần đất được dùng làm bãi đỗ xe.
Tranh thủ thời gian nghỉ, sân bay nâng cấp cải tạo |
Sân bay quốc tế Munich là sân bay lớn thứ hai tại Đức và thứ 6 tại châu Âu, luôn nằm trong top những sân bay tốt nhất châu Âu và quốc tế với những trang thiết bị tiện nghi, hiện đại và vận hành giao thông suôn sẻ.
Còn sân bay quốc tế Edmonton ở Alberta trong tháng 7 đã thông báo kế hoạch mở nông trại mặt trời 120 megawatt rộng hơn 250ha.
Bên cạnh đó, các sân bay cũng đang tranh thủ mở rộng. Ở Thái Lan, giai đoạn đầu trong dự án 9,4 tỷ USD mở rộng sân bay ở phía nam Bangkok sẽ hoàn thành năm 2024. Hong Kong sẽ chi 18 tỷ USD để mở rộng sân bay. Trung Quốc, Hàn Quốc cũng vẫn tiếp tục xây dựng các dự án sân bay tốn kém.
Còn tại Singpore, nhà ga T2 sân bay Changi đóng cửa 18 tháng. Tháng 1/2020, CAG thông báo sẽ nâng cấp nhà ga T2 để đáp ứng khả năng phục vụ thêm 5 triệu hành khách mỗi năm.
Khoảng thời gian đóng cửa 18 tháng không chỉ giúp tập đoàn lẫn các đối tác tiết kiệm một khoản chi phí không nhỏ cho việc vệ sinh và duy trì cơ sở vật chất, mà còn giúp CAG tận dụng thời gian, đẩy nhanh tiến trình nâng cấp, dự định sẽ hoàn thành sớm một năm so với kế hoạch ban đầu là vào năm 2024.
Ông Greg Fordham, Giám đốc điều hành công ty tư vấn dự án sân bay Airbiz ở Melbourne, nhận định khủng hoảng lần này là cơ hội lớn để các sân bay tham gia vào những việc họ chưa từng làm trước đây.
Khi hành khách trở lại, các sân bay cần đánh giá lại cách kiếm tiền. Họ có thể cung cấp các dịch vụ như sắp xếp khách sạn cho phi hành đoàn, dịch vụ ăn tối, chăm sóc y tế cho hành khách.
Bảo Anh