Mới đây nhất, NHNN vừa ban hành Thông tư số 06/2019/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 6/9/2019, trong đó hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với dự án FDI vào Việt Nam bao gồm góp vốn đầu tư; mở và sử dụng tài khoản vốn đầu tư trực tiếp bằng ngoại tệ và bằng đồng Việt Nam; chuyển tiền thực hiện hoạt động chuẩn bị đầu tư; chuyển vốn, lợi nhuận và nguồn thu hợp pháp ra nước ngoài; chuyển nhượng vốn đầu tư, chuyển nhượng dự án đầu tư.
Nếu như Thông tư số 06 quy định về quản lý ngoại hối đối với dự án từ nước ngoài vào Việt Nam, thì thời gian gần đây đang có những ý kiến đặt ra về việc cần quản lý chặt chẽ cả dòng vốn đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài.
Ngay tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp bản mới nhất do Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo, cơ quan này đã xin ý kiến Chính phủ để sửa đổi nội dung quy định đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Theo đó, hiện nay đang có ý kiến cho rằng nên bỏ thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài và áp dụng chế độ đăng ký chuyển tiền ra nước ngoài tại Cơ quan nhà nước quản lý ngoại hối.
Cần nhắc lại rằng, hiện nay NHNN đã có Thông tư số 31/2018/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí. Thông tư này quy định về các hoạt động chuyển ngoại tệ ra nước ngoài trước khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ để chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài; đăng ký, đăng ký thay đổi giao dịch ngoại hối của các nhà đầu tư; chuyển vốn đầu tư, lợi nhuận, thu nhập hợp pháp ở nước ngoài về Việt Nam…
Tuy nhiên Thông tư 31 chỉ quy định về quản lý ngoại hối trong hoạt động dầu khí, trong khi tới nay Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài trong rất nhiều lĩnh vực khác như viễn thông; tài chính - ngân hàng; bán buôn, bán lẻ; hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ…
Trong dự thảo tờ trình gửi lên Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện nay đang có 2 luồng quan điểm về vấn đề này. Ý kiến thứ nhất cho rằng, việc áp dụng chế độ đăng ký chuyển tiền ra nước ngoài tại Cơ quan nhà nước quản lý ngoại hối cần được cân nhắc bởi cơ quan này không có thẩm quyền quản lý hoạt động đầu tư, trong đó có hoạt động đầu tư ra nước ngoài.
Trong khi đó, cơ chế quản lý hoạt động đầu tư ra nước ngoài vẫn cần được xem xét trên cơ sở mục tiêu, địa điểm đầu tư ở nước ngoài nhằm bảo đảm cân đối vĩ mô và phân bổ các nguồn lực đầu tư trong nước cũng như đầu tư ở nước ngoài. Do vậy, việc bỏ thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài là chưa phù hợp với điều kiện quản lý của Việt Nam.
Ý kiến thứ hai đề nghị bỏ thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài và thay bằng cơ chế đăng ký hoạt động chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài tại Cơ quan nhà nước quản lý ngoại hối. Việc bỏ loại giấy này nhằm thay đổi phương thức quản lý nhà nước sang chế độ quản lý, sử dụng dòng vốn đầu tư ra nước ngoài trên cơ sở phân định rõ trách nhiệm của nhà đầu tư và trách nhiệm của từng cơ quan quản lý chuyên ngành. Như vậy đây không phải là tự do hóa dòng vốn đầu tư ra nước ngoài, đồng thời cũng không đồng nghĩa với việc từ bỏ hay nới lỏng quản lý nhà nước đối với hoạt động này.
Kinh nghiệm tại các quốc gia có cùng trình độ phát triển với Việt Nam cho thấy, cơ quan quản lý ngoại hối tại các quốc gia này cũng phải thực hiện theo dõi và quản lý giao dịch liên quan đến đầu tư ra nước ngoài trong bất kể lĩnh vực. Thực tế này cho thấy đã đến lúc cần tính toán lại chính sách để quản lý ngoại hối đối với dự án đầu tư ra nước ngoài, nhất là trong bối cảnh dòng vốn này đang tăng trưởng mạnh hơn.