Tối 26/3, Uỷ ban Nhân dân (UBND) tỉnh Quảng Trị đã tổ chức hội thảo "Gặp gỡ Quảng Trị" lần thứ nhất tại TP. Hồ Chí Minh. Vấn đề nổi bật của hội thảo đó là Quảng Trị đã khai thác tiềm năng hiệu quả, biến khó khăn, bất lợi thành tiềm năng, lợi thế.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, ông Võ Văn Hưng khẳng định, Quảng Trị đã biến gió Lào, cát trắng, điều kiện khí hậu tự nhiên bất lợi thành lợi thế khi hàng loạt dự án điện gió, điện mặt trời đã vận hành, đem về cho ngân sách hàng ngàn tỷ đồng.
Trên thực tế, Quảng Trị đã có những bước tiến hết sức mạnh mẽ và tích cực, tăng trưởng kinh tế luôn nằm ở nhóm dẫn đầu miền Trung và cả nước. Cùng với đó, cơ sở hạ tầng của Quảng Trị đang ngày càng được hoàn thiện, các dự án lớn đang được triển khai nhanh chóng.
Theo chủ trương của Chính phủ, Quảng Trị sẽ trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung và cả nước trên cơ sở tiềm năng các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng khí tiềm năng từ mỏ Báo Vàng, mỏ Kèn Bầu.
Do đó, Quảng Trị cũng đang đón nhận làn sóng đầu tư thế hệ mới hết sức tích cực. Đặc biệt, tỉnh chú trọng đến các dự án giao thông, sân bay, cảng biển, năng lượng, công nghệ, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản có giá trị cao. Để thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư, Quảng Trị đã tăng cường tạo ra nguồn nhân lực chất lượng để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư.
Theo Phó chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Đặng Hiến, Quảng Trị có lợi thế về nguồn nhân lực chịu thương chịu khó. Tuy nhiên, tỉnh cần đẩy mạnh hơn nữa trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng việc mở rộng đầu tư của các nhà đầu tư quốc tế, nhất là các doanh nghiệp sản xuất.
Hiện nay, Quảng Trị có nhiều điều kiện thuận lợi như giao thông thuận tiện, kết nối hành lang kinh tế Đông - Tây để giao thương với các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, tỉnh còn có khả năng cạnh tranh về chi phí sản xuất, chi phí lao động tốt. Do đó, Quảng Trị là điểm đến hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.
Trong tháng 1/2022, Quảng Trị đã khởi công Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng (giai đoạn 1 - 1.5MW). Tổng vốn đầu tư giai đoạn I của dự án là gần 54.000 tỷ đồng (hơn 2,32 tỷ USD). Trong đó, vốn góp của Tổ hợp nhà đầu tư để thực hiện dự án là hơn 13.400 tỷ đồng, gồm: Tập đoàn T&T Group góp 40%; các nhà đầu tư như HANWHA, KOSPO, KOGAS, mỗi đơn vị góp 20%.
Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng giai đoạn I được xây dựng tại địa phận hai xã Hải An và Hải Ba thuộc huyện Hải Lăng, nằm trong khu phức hợp năng lượng của Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị.
Với quy mô hơn 120 ha, dự án sẽ xây dựng Trung tâm kho cảng LNG Hải Lăng (giai đoạn 1), tiếp nhận tàu chở LNG từ 170.000 - 226.000 m3, công suất tiếp nhận 1,5 triệu tấn LNG/năm và Trung tâm điện lực Hải Lăng (giai đoạn 1) có công suất phát điện 1.500 MW. Theo kế hoạch, dự án sẽ được đưa vào vận hành thương mại vào năm 2026 - 2027.
Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng áp dụng công nghệ tua bin khí thế hệ mới có hiệu suất phát điện cao, biến gió thành điện. Do đó, Trung tâm điện khí Hải Lăng sau khi vận hành có thể bù đắp công suất thiếu hụt tức thời cho hệ thống. Nhờ đó, Quảng Trị sẽ góp phần giải quyết vấn đề tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió tại khu vực miền trung đang chiếm tỷ trọng lớn và bị biến động theo thời tiết.
Bên cạnh đó, Quảng Trị còn có nhà máy điện mặt trời trên cát. Nhà máy điện mặt trời LIG có vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng. Nhà máy có công suất định mức là 49,5MWp, điện năng sản xuất hàng năm đạt 67,63 triệu kWh/năm.
Ngoài ra, Quảng Trị hiện có 19 dự án điện gió với tổng công suất là hơn 671 MW đã vận hành thương mại. Cùng với đó, Quảng Trị là tỉnh dẫn đầu cả nước về tổng số dự án điện gió, tổng công suất và tỷ lệ phần trăm dự án đã hòa lưới thương mại.