Theo Niên giám thống kê năm 2021, sự bùng phát mạnh của làn sóng Covid-19 lần thứ tư cùng với các đợt phong tỏa nghiêm ngặt, giãn cách kéo dài đã tác động tiêu cực đến cộng đồng doanh nghiệp. Số doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2021 đạt 116,8 nghìn doanh nghiệp, giảm 13,4% so với năm trước.
Bên cạnh đó, còn có 43,1 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (giảm 2,2% so với năm 2020), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động năm 2021 lên gần 160 nghìn doanh nghiệp, giảm 10,7% so với năm trước.
Bình quân một tháng có 13,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Năm 2021, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn gần 55 nghìn doanh nghiệp, tăng 18% so với năm trước; 48,1 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 27,8%; 16,7 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 4,1%.
Trong đó, 14,8 nghìn doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, giảm 4%; 211 doanh nghiệp có quy mô vốn trên 100 tỷ đồng, giảm 20,7%.
Bình quân một tháng có gần 10 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Số doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh tại thời điểm 31/12/2020 là 684,3 nghìn doanh nghiệp (chiếm 79,8% tổng số doanh nghiệp thực tế đang hoạt động), tăng 2,4% so với cùng thời điểm năm 2019.
Trong đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 18,5%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 1,9%; riêng doanh nghiệp Nhà nước giảm 6,9%.
Cũng theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, năm 2021, bình quân cả nước có 8,7 doanh nghiệp đang hoạt động trên 1.000 dân.
Có 8/63 địa phương có mật độ doanh nghiệp đang hoạt động trên 1.000 dân cao hơn bình quân cả nước gồm: TP. Hồ Chí Minh có 29,3 doanh nghiệp; Hà Nội có 21,4 doanh nghiệp; Đà Nẵng có 20,7 doanh nghiệp; Bình Dương có 14,5 doanh nghiệp; Bà Rịa - Vũng Tàu có 9,7 doanh nghiệp; Hải Phòng có 9,6 doanh nghiệp; Bắc Ninh có 9,5 doanh nghiệp và Khánh Hoà có 8,9 doanh nghiệp.
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Bên cạnh đó, 55/63 địa phương có mật độ doanh nghiệp đang hoạt động trên 1.000 dân thấp hơn bình quân cả nước.
Trong đó, những địa phương có mật độ doanh nghiệp đang hoạt động trên 1.000 dân thấp nhất cả nước gồm: Hà Giang có 1,4 doanh nghiệp; Sơn La có 1,6 doanh nghiệp; Điện Biên có 1,7 doanh nghiệp; Tuyên Quang và Bắc Kạn cùng có 2,0 doanh nghiệp; Yên Bái và Cao Bằng cùng có 2,2 doanh nghiệp.
Ngoài ra, báo cáo cũng công bố thu nhập bình quân tháng của người lao động của từng địa phương. Theo đó, 7/63 địa phương có thu nhập bình quân tháng của người lao động trong các doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh (SXKD) năm 2020 cao hơn mức thu nhập trung bình cả nước (9,5 triệu đồng/người/tháng).
Chủ yếu các địa phương này có quy mô doanh nghiệp lớn, thuộc các vùng kinh tế trọng điểm, trong đó, 5/63 địa phương có mức thu nhập bình quân tháng của người lao động trong các doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả SXKD năm 2020 trên 10,0 triệu đồng một tháng.
Các địa phương này gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu 11,9 triệu đồng; TP. Hồ Chí Minh 10,9 triệu đồng; Bắc Ninh 10,5 triệu đồng; Hà Nội 10,2 triệu đồng; Quảng Ninh 10,2 triệu đồng.
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Bên cạnh đó, 56/63 địa phương có thu nhập bình quân tháng của người lao động trong các doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả SXKD năm 2020 thấp hơn mức thu nhập trung bình cả nước
Trong đó, Điện Biên là địa phương có thu nhập bình quân tháng của người lao động thấp nhất cả nước với 4,3 triệu đồng. Sơn La là tỉnh có thu nhập thấp thứ 2 với 5,8 triệu đồng.