Paul Rizzo, 38 tuổi làm nghề giao đồ ăn và hàng tạp hóa thông qua ứng dụng DoorDash từ tháng 7. Tuy nhiên trong 6 tháng đầu năm, anh đã không kiếm được bất kỳ đồng lương nào. Điều này đã phản ánh một tình trạng đáng báo động ở nam giới trung niên hiện nay.
Công ty giao hàng DoorDash. Ảnh: softwareengineeringdaily
Rizzo vốn là nhà phân tích dữ liệu tại một bệnh viện. Nhưng vào giáng sinh năm ngoái, công việc này được tự động hóa khiến anh mất việc. Rizzo lựa chọn ở nhà và chăm sóc hai đứa con của mình. Anh cảm thấy chán nản và thất vọng khi bản thân trải qua nhiều biến cố trong công việc suốt một thập kỷ qua. Lúc này, Rizzo nghĩ rằng mình có thể kiếm thêm thu nhập từ các khoản đầu tư ngay tại nhà.
Quyết định nghỉ làm của Rizzo sau nhiều năm làm việc đã thể hiện nhiều thay đổi trong thị trường việc làm hiện nay. Hàng trăm nghìn nam giới trong độ tuổi 30-40 đã ngừng làm việc trong suốt thời gian đại dịch. Dường như, họ đã chững lại một cách vô hình trong thị trường lao động.
Trong khi Paul Rizzo đang quay lại con đường kiếm tiền thì nhiều người đàn ông khác lại không hề có ý định đi làm trở lại.
Đây là một điều bất thường bởi tỷ lệ việc làm đã tăng trở lại đối với mọi độ tuổi và giới tính. Theo thống kê đến tháng 11 năm nay, chỉ khoảng 89,7% nam giới từ 35-44 tuổi đang đi làm hoặc đang tìm việc. Tỷ lệ này là một con số thấp bởi đây là độ tuổi “vàng”. Trước đại dịch, con số này là 90,9%.
Sự suy giảm lao động ở nam giới trung niên kéo dài ở nhiều nhóm chủng tộc nhưng đa phần là ở những người không có trình độ đại học, như Rizzo.
Thực tế, cơ hội việc làm và tiền lương đang tăng. Kể cả những công việc nhiều nam giới, không yêu cầu bằng cấp đại học như lái xe tải hay thợ xây nhưng tỷ lệ lao động ở đối tượng này vẫn giảm đáng kể.
Các nhà kinh tế học không xác định được đâu là yếu tố ngăn cản nam giới trung niên quay trở lại làm việc. Thứ nhất, họ cho rằng nguyên nhân là do chuẩn mực xã hội thay đổi. Vai trò của cha mẹ và hôn nhân đã khác. Hiện nay, không chỉ mẹ chăm sóc con cái mà người cha cũng làm rất tốt. Hoặc đàn ông hoàn toàn có thể ở nhà nội trợ và người làm kinh tế chính là phụ nữ.
Thứ hai, những tàn dư của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009 đã khiến nhiều người phải đánh đổi cả sự nghiệp của mình kể từ đó.
Thay đổi về tỷ lệ tham gia lao động của nam giới kể từ tháng 2 năm 2020 theo nhóm tuổi. Ảnh: The New York Times.
Thật ra, việc đàn ông rút khỏi thị trường lao động đã có tiền lệ ở quá khứ. Trong những năm sau Thế chiến II, hơn 97% nam giới từ 25-54 tuổi đã luôn làm việc hoặc tích cực tìm kiếm việc làm. Nhưng bắt đầu từ những năm 1960, tỷ lệ này bắt đầu giảm. Điều này ảnh hưởng tới các công việc sản xuất trong nước.
Những người đàn ông bắt đầu sự nghiệp lần đầu tiên vào năm 2008 là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Jane Oates, cựu quan chức Bộ Lao động kiêm người đứng đầu WorkingNation - tổ chức phi lợi nhuận bảo vệ quyền lợi người lao động, cho biết: “Tôi nghĩ có rất nhiều người đang rất cảm thấy bất lực trước tình hình”.
Số lượng nam giới mất việc làm năm 2008 rất khủng khiếp. Thời điểm này ngành xây dựng nói chung và xây dựng nhà ở nói riêng bị hạn chế rất nhiều. Mất rất nhiều năm để phục hồi. Nhưng những người đàn ông 20-30 tuổi thời điểm đó đến nay lại không thể dễ dàng tìm việc.
Có nhiều lý giải về việc nam giới “chậm chạp” đi làm lại trong thời kỳ trước. Đầu tiên, sau cuộc chiến chống tội phạm những năm 1980 và 1990, nhiều nam giới có tiền án nên khó tìm được việc làm. Nhiều người nghiện thuốc phiện không được chấp nhận. Thứ hai, trò chơi điện tử phát triển mạnh mẽ khiến việc ở nhà càng trở nên hấp dẫn. Thứ ba, tỷ lệ gia đình hạt nhân thấp khiến vai trò làm chủ kinh tế của đối tượng cũng giảm.
Dường như lịch sử này đang được lặp lại nhưng cụ thể hóa trong nhóm độ tuổi trung niên. Câu hỏi đặt ra là vì sao?
Patricia Blumenauer, phó chủ tịch phụ trách dữ liệu và hoạt động tại Philadelphia Works - cơ quan phát triển lực lượng lao động cho biết bà đã quan sát thấy số lượng nam giới đến đăng ký tìm việc giảm. Số người đến tỷ lệ nghịch với những người thật sự nhận việc.
Một số nam giới bị mất việc trong thời kỳ đại dịch đang tìm kiếm một công việc linh hoạt và được trả lương cao. Họ mong muốn được làm tại nhà 3-4 ngày/tuần hoặc được nghỉ 4 ngày chủ nhật. Rất khó để tìm kiếm các công việc như vậy.
Bà Blumenauer cũng cho biết, khi nam giới không tìm được những công việc linh hoạt theo ý mình hoặc không thể cạnh tranh để dành được vị trí đó, họ có thể kiếm sống bằng việc ở với người thân hoặc làm các công việc chui.
Chưa hết, theo nhà kinh tế học Ariel Binder, việc kết hôn và tạo lập gia đình là một vấn đề còn hạn chế ở Mỹ. Và chính đại dịch cũng cản trở việc này, khiến những người đàn ông độc thân hoặc không có con ít có động lực ổn định công việc. Mặt khác, một số nam giới có gia đình đã chọn ngừng làm công việc được trả lương để đảm nhận việc nội trợ. Dù vậy, tỷ lệ không đi làm vẫn thường tập trung ở những người đàn ông chưa tốt nghiệp đại học.
Khoảng cách giáo dục nam nữ giới. Ảnh: The New York Times.
Phần trăm đi làm ở độ tuổi này giảm, một phần do cuộc đời họ gặp phải vòng quay “lặp đi lặp lại”. Họ mất việc do cuộc khủng hoảng thị trường 2008, sau đó đối mặt với sự phục hồi chậm chạp. Bối cảnh sa thải 2020 lại bắt đầu một vòng lặp mới và xu hướng tự động hóa thì ngày càng phát triển.
Về hành trình lao động của Rizzo, anh ấy đã coi hải quân là tấm vé thoát nghèo ở Louisiana và mong đợi sẽ có một sự nghiệp cống hiến hết mình. Tuy nhiên, anh đã bị gãy lưng trong quá trình huấn luyện cơ bản và phải giải ngũ sau vài năm.
Sau đó Rizzo chuyển hướng học tại đại học bang Arizona với ước mơ trở thành bác sĩ chữa ung thư. Tuy nhiên, cuộc đại suy thoái đã diễn ra. Rizzo phải làm việc hàng đêm trong phòng thí nghiệm để trang trải tiền thuê nhà và học phí. Khủng hoảng tài chính 2009 sau đó lại làm chấm dứt tất cả. Rizzo phải bỏ học và đối mặt với việc không có nhà để về. Anh được trả một khoản hoàn thuế và cùng vợ quay trở lại bang Louisiana - nơi có nhiều cơ hội việc làm. Nhưng sau đó, Rizzo đã ly hôn. “Tôi cảm thấy rất bế tắc sau tuổi 20”, anh nói.
Trong 10 năm tiếp theo, Rizzo đã cố gắng gây dựng lại tất cả: trải qua nhiều vị trí khác nhau trong công ty, học phần mềm, kết hôn lần nữa, có hai con trai và mua một ngôi nhà. Tuy nhiên, anh ấy thường xuyên có nguy cơ mất việc do hạn chế nhân sự. Công ty muốn Rizzo chuyển qua làm nhân viên bán hàng lưu động. Vì vậy anh đã nghỉ việc.
Sau một lần xem các video về đầu tư của thế hệ trẻ trên youtube, anh đã quyết định lựa chọn con đường “Độc lập tài chính-Nghỉ hưu sớm” này. Rizzo cho rằng mình có thể sống bằng tiền trợ cấp quân đội và cổ tức từ việc đầu tư. Nhưng khi thị trường biến động, lãi suất tăng, hoạt động này của Rizzo đã thất bại.
Ông Rizzo bắt đầu làm việc cho DoorDash vào tháng 7. Ảnh: The New York Times.
Cuối cùng anh chuyển qua DoorDash làm nhân viên giao hàng và kiếm được khoản lương đầu tiên vào ngày 4 tháng 7.
Mặc dù Rizzo đã quay trở lại thị trường lao động nhưng công việc hợp đồng ngắn hạn như vậy không được ghi lại và đo lường chính xác trong dữ liệu việc làm. Nếu nhiều nam giới cũng đang đi theo con đường tương tự và làm việc ngắt quãng, họ có thể không được liệt kê trong các cuộc khảo sát.
Hiện tại, nhiều người phàn nàn rằng tình hình kinh tế đang chậm lại do mọi người đã tiêu hết tiền tiết kiệm do đại dịch. Người cựu chiến binh tự cho mình là người may mắn vì đã có công việc tại DoorDash. Anh ấy biết những người đàn ông trong thế hệ của mình đang phải vật lộn để tìm chỗ đứng trong thị trường lao động. “Mọi người phải bắt đầu cuộc sống của họ lại từ đầu”, anh nói.
Tham khảo: The New York Times