Tận dụng hạ tầng vận chuyển từ phía đối tác nên khi xảy ra bất ngờ, nhiều đơn vị giao hàng rơi vào tình thế khó xử kho ùn ứ mà không có người giao.
Nở rộ dịch vụ giao hàng
Chỉ trong thời gian ngắn, hàng loạt ứng dụng giao hàng và các doanh nghiệp trong lĩnh vực giao vận ra đời, có thể kể tới các đơn vị như Giao hàng nhanh, giao hàng tiết kiệm, Ninja Van, Best Express, AhaMove,... cạnh tranh trực tiếp với các ông lớn như Vietnam Post, Viettel Post, DHL...
Bên cạnh đó còn có sự tham gia của nhiều đơn vị công nghệ. Grab tuyên bố rót thêm 500 triệu USD đầu tư vào VN trong vòng 5 năm tới để phát triển các giải pháp công nghệ tài chính, công nghệ di động mới và logistics. Trong đó, lĩnh vực giao nhận thức ăn và hàng hóa bên cạnh dịch vụ vận tải của Grab sẽ được tiếp tục đẩy mạnh.
Lalamove cũng gọi vốn thành công 300 triệu USD từ hai quỹ đầu tư tài chính. Đơn vị này tuyên bố sẽ tập trung phát triển nền tảng công nghệ, ứng dụng và tích hợp các công nghệ mới, và tiếp tục hành trình mở rộng thị trường tại châu Á.
Các doanh nghiệp lớn trong cuộc đua giao hàng (Ảnh:D.Anh) |
Ưu điểm của các đơn vị giao hàng mới này là công nghệ và liên kết các đối tác sẵn có như xe ôm, xe tải,... Nhờ vậy mà họ có thể phát triển mạng lưới một cách nhanh nhất và rộng nhất. Trong khi đó, các nhân viên giao hàng chỉ là đối tác, làm việc nhận hoa hồng theo số đơn được giao mỗi ngày mà các đơn vị này không tốn thêm các chi phí chi trả như lương cố định, chế độ bảo hiểm,...
Với mức giá giao hàng rẻ, nhanh và tận dụng công nghệ, các đơn vị giao hàng mới nổi này đã nhanh chóng được người tiêu dùng đón nhận. Một số đơn vị giao hàng đã phát triển nhanh, không kém cạnh các đơn vị có tên tuổi trên thị trường.
Đại diện một đơn vị vận chuyển cho hay không chỉ mạng lưới bưu cục nhiều, giá cả vận chuyển cạnh tranh, việc tối ưu hóa việc phân loại hàng, ứng dụng công nghệ để giải quyết thời gian vận chuyển nhanh chóng. Do đó, các đơn vị giao hàng nhanh đang tập trung đầu tư hệ thống phân loại bưu kiện hàng với tốc độ nhanh, giảm sai sót nhằm rút ngắn thời gian chuyển hàng đến tay người tiêu dùng.
Các doanh nghiệp giao nhận tăng tốc đầu tư công nghệ tiện lợi cho khách hàng như nhận hàng tận nơi, miễn phí chuyển khoản COD, tự động tính phí vận chuyển, kết nối trực tiếp đơn vị bán hàng trực tuyến với người tiêu dùng trên khắp cả nước thông qua các sàn thương mại điện tử.
Lao đao vì dịch
Thời gian qua, không ít doanh nghiệp chạy đua về giá để cạnh tranh, sẵn sàng bán dịch vụ dưới giá thành để giành hợp đồng của nhau mà không đảm bảo được chất lượng cam kết, thường xuyên giao chậm trễ, làm thất lạc hàng hóa,... Chính vì vậy, chỉ sau một thời gian, các đơn vị bị phá sản bởi không quản lý tốt nhân sự, không quản lý được dòng tiền.
Năm 2018, Công ty giao hàng GNN Express thông báo với đối tác và khách hàng về việc dừng hoạt động. Lý do là bởi doanh nghiệp này gặp nhiều khó khăn tài chính. Công ty đã không cân đối được thu, chi dẫn đến sử dụng và lạm dụng tiền thu hộ (COD) của khách hàng vào các hoạt động khác.
Cuộc đua gia hàng ngày càng quyết liệt (Ảnh:D.Anh) |
Khủng hoảng của GNN dẫn tới việc điều hành bị mất kiểm soát khiến hàng hóa tồn đọng và thất lạc. Hội đồng quản trị xin lỗi tới khách hàng, đồng thời cam kết giải quyết đối với khách bị thất lạc hàng hóa, cam kết chịu trách nhiệm đền bù thỏa đáng.
Hay ảnh hưởng của dịch bệnh, các đối tác giao hàng không hoạt động dẫn tới nhiều đơn vị vận chuyển gặp khó khăn khi lượng hàng tồn kho lên tới cả nghìn đơn. Quản lý một điểm giao nhận của đơn vị vận chuyển cho hay, lượng shipper và cả cộng tác viên lên hơn 500 người thì mỗi ngày cũng chỉ có thể xử lý được tối đa từ 11.000-12.000 đơn hàng. Số lượng hàng hóa trên mỗi đơn hàng cũng tăng nhiều hơn 4-5 lần so với trước. Không những vậy, TP.HCM có rất nhiều khu dân cư đang bị cách ly, nên khi giao hàng thì thời gian chờ khách nhận cũng gia tăng...
“Shipper bị chặn lại kiểm tra ở các chốt, giao hàng ở nhiều khu cách ly thì phải đứng bên ngoài chốt chặn, đợi khách đi ra nhận nên càng mất thêm thời gian. Từ đó khiến cho tốc độ giao cũng chậm hơn”, chị cho hay.
Chính vì quá tải của các đơn vị vận chuyển khiến các chủ shop lao đao. Ông Lưu Quang Tuấn (một chủ shop đồ dùng gia đình ở Hà Nội), bức xúc, ông gửi đơn cho khách từ đầu tháng 7, tới nay vẫn chưa tới tay người nhận. Qua kiểm tra đơn hàng online, tình trạng vẫn đang ở kho tại một quận trong TP.HCM. “Khách hàng bức xúc đòi huỷ đơn vì họ mua có nhu cầu dùng trong mùa dịch”, ông Tuấn phàn nàn.
Không chỉ dịch bệnh mà do công việc vất vả, chế độ đãi ngộ kém nên không ít shipper của các đơn vị này rời bỏ sau một thời gian làm đối tác. Anh N.T.L., quản lý đội giao hàng này, cho biết lực lượng này trước đây rất đông nhưng do công việc này quá vất vả nên nhiều người trẻ đã nghỉ hoặc chuyển qua chạy xe ôm công nghệ.
Theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực này, sự phát triển của thương mại điện tử kéo theo lĩnh vực giao hàng có cơ hội phát triển. Tuy nhiên, cuộc đào thải cũng khắc nghiệt. Sau nở rộ của các đơn vị giao hàng thì chỉ còn lại những đơn vị hoạt động uy tín có hiệu quả.
Những đơn vị có mạng lưới rộng, đội ngũ giao hàng đông đảo khắp các vùng miền và chính sách tốt sẽ được người tiêu dùng đánh giá cao sau những đợt sàng lọc như Covid-19.
D.Anh