Thay vì trả lãi, các ngân hàng Thuỵ Sỹ sẽ bắt đầu tính phí đối với các khoản tiền gửi của khách hàng. Mới đây, ngân hàng Credit Suisse cho biết sẽ áp dụng lãi suất âm 0,75% với các khoản tiền gửi từ 2 triệu Francs Thuỵ Sỹ (khoảng 2 triệu USD).
Chính sách này đồng nghĩa rằng, khi một khách hàng cá nhân hoặc doanh nghiệp gửi số tiền 3 triệu Francs Thuỵ Sỹ (khoảng 3 triệu USD) tại Credit Suiss trong vòng một năm, họ sẽ phải trả khoản phí 7.500 Francs Thuỵ Sỹ (7.500 USD).
Với những khách hàng doanh nghiệp gửi hơn 10 triệu Francs Thuỵ Sỹ (10 triệu USD), mức phí này sẽ tăng lên thành 0,85%.
Chính sách này sẽ bắt đầu áp dụng cho khách hàng doanh nghiệp của Credit Suiss từ ngày 15/11/2019 và khách hàng cá nhân từ ngày 1/1/2020.
Chính sách "ngược đời" này là kết quả của tình trạng lãi suất thấp chưa từng thấy trong lịch sử tại châu Âu. Lãi suất âm được áp dụng tại Thuỵ Sỹ từ năm 2015 và tại 19 quốc gia sử dụng đồng Euro từ năm 2014, nhằm khuyến khích người dân và doanh nghiệp vay tiền, kích thích phát triển nền kinh tế.
Tuy nhiên, chính sách tiền tệ này đã trở thành gánh nặng với các ngân hàng tại khu vực này, khiến họ khó kiếm lời từ các khoản cho vay và thế chấp, đồng thời phải trả nhiều hơn cho dự trữ vượt mức tại các ngân hàng trung ương.
Trước việc lãi suất âm chưa có dấu hiệu thay đổi, nhiều ngân hàng Thuỵ Sỹ bắt đầu chuyển phần chi phí đó đối với các khách hàng giàu có của mình.
Năm 2015, ngân hàng UBS đã áp dụng phí gửi tiền đối với các khách hàng doanh nghiệp lớn. Hồi tháng 7, ngân hàng này cho biết sẽ áp dụng chính sách tương tự với cả khách hàng cá nhân.
Khoản phí 0,75% đối với các khoản tiền gửi trên 2 triệu Francs Thuỵ Sỹ (2 triệu USD) gửi tại ngân hàng Thuỵ Sỹ này sẽ bắt đầu được áp dụng từ tháng 11 năm nay. UBS cũng hạ ngưỡng tiền gửi bắt đầu bị áp mức phí 0,6% từ mức trên 1 triệu Euro (1,1 triệu USD) xuống còn 500.000 Euro (557.000 USD).
"Các điều kiện trên thị trường vốn và tiền tệ vẫn còn rất nhiều thách thức", UBS nói trong một thông cáo về động thái trên.
Bà Christine Lagarde, người bắt đầu lên giữ vị trí Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đúng thời điểm nhiều ngân hàng châu Âu bắt đầu áp chính sách tính phí tiền gửi, cho rằng cuộc sống của người dân tại khu vực đồng Euro sẽ "tồi tệ hơn nhiều" nếu không có chính sách lãi suất âm. Tuy nhiên, bà cũng cam kết sẽ giám sát "những mặt trái" của chính sách này dưới cương vị chủ tịch ECB.