Ngày 28/12, UBND huyện Đan Phượng phối hợp với Công ty CP Đầu tư xây dựng và Phát triển đô thị Thăng Long (TLD ) tổ chức Lễ khởi công dự án Cụm công nghiệp Song Phượng, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội. Đây là dự án được phê duyệt từ năm 2019 nhưng đến nay mới được triển khai.
Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, Chủ đầu tư TLD tiền thân là Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Ngọc Hà, thành lập tháng 9/2000. Công ty đổi tên vào năm 2009. Trụ sở chính của công ty được đặt tại thôn Trung, xã Liên Trung, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội. Chủ tịch HĐQT của TLD là ông Nguyễn An Ngọc.
TLD hoạt động các ngành nghề lắp đặt hệ thống điện, dịch vụ chăn sóc cảnh quan, lắp đặt xây dựng, sản xuất kinh doanh gỗ ván ép. Trong đó, doanh thu chủ yếu của doanh nghiệp này là từ hoạt động kinh doanh, sản xuất.
Các công ty con của TLD được công bố gồm Công ty CP Xây dựng thương mại và Sản xuất ván ép Thăng Long và Công ty CP đầu tư xây dựng và chế biến lâm sản Thăng Long. Các doanh nghiệp này đều chuyên về đều hoạt động sản xuất, kinh doanh gỗ, ván ép.
Tháng 3/2023, TLD vừa thoái toàn bộ 60 tỷ đồng vốn góp tại doanh nghiệp liên kết là công ty CP Ván ép Đồng Hới.
Đến ngày 17/11/2023, TLD rót 96 tỷ đồng vào Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Phát triển Đô thị Thăng Long Thái Nguyên. Dữ liệu cho thấy, doanh nghiệp này mới thành lập ngày 21/11/2023, địa chỉ tại huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Các cổ đông sáng lập bao gồm ông Nguyễn An Quân, giữ 12% tỷ lệ sở hữu; ông Nguyễn An Mạnh, tỉ lệ sở hữu 39% đồng thời là Tổng Giám đốc; cổ đông Nguyễn Hiền Tuyến giữ 1%. Riêng TLD giữ tỉ lệ cao nhất trong doanh nghiệp này với 48%.
Tính đến ngày 30/9/2023, vốn điều lệ của TLD là 747,5 tỷ đồng. Tháng 12/2023, HĐQT TLD đã thông qua việc đăng ký tăng vốn điều lệ lên thành 777 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức năm 2022.
Quá trình phát triển, thế mạnh trong cơ cấu của TLD là về sản xuất, kinh doanh các mặt hàng gỗ, ván ép nhưng gần đây kết quả kinh doanh tỏ ra không mấy tích cực. Suốt năm 2022, lợi nhuận sau thuế của TLD đạt 13,6 tỷ đồng, chỉ đạt 27% kế hoạch đề ra. Bán niên 2023, lợi nhuận sau thuế của TLD giảm 7,7 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022. Từ 10 tỷ đồng xuống còn 2,3 tỷ đồng, tương đương giảm 77%.
Tính riêng trong Quý III/2023, lợi nhuận sau thuế của TLD đạt vỏn vẹn 546 triệu đồng, giảm gần 83% so với cùng kỳ năm 2022. Giải trình về nguyên nhân, Chủ tịch HĐQT TLD Nguyễn An Ngọc cho biết do doanh thu thuần giảm mạnh và chi phí lãi vay tăng so với cùng kỳ 2022.
Tính đến cuối kỳ tháng 9/2023 tài sản ngắn hạn của TLD đạt 808,5 tỷ đồng, tăng 26 tỷ đồng so với đầu năm. Phát sinh lớn nhất khiến tài sản ngắn hạn của TLD tăng là do có thêm 220 tỷ đồng hàng tồn kho.
Trong đó, chi phí sản xuất kinh doanh dở dang tăng từ 139 tỷ đồng hồi đầu năm, lên thành 323,5 tỷ đồng vào cuối tháng 9. Trong khoảng thời gian này, TLD tiêu khoảng 19 tỷ đồng trên tổng 66 tỷ đồng nguyên vật liệu tồn kho. Giá trị thành phẩm được nâng từ 35 tỷ đồng lên thành 94 tỷ đồng. Tuy nhiên, ở danh mục Hàng hóa, đầu năm 2022 TLD còn tồn 20 tỷ đồng, và chỉ giảm xấp xỉ 4 tỷ đồng đến cuối Quý III.
Trước khi rơi vào bối cảnh như hiện tại, TLD đặt mục tiêu đầu tư rất mạnh vào các nhà máy sản xuất. Cụ thể, trong năm 2018, TLD hiện thực hóa bằng việc thực hiện đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất ván ép công nghiệp tại huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình tổng vốn đầu tư 250 tỷ đồng. Trong đó, xây dựng cơ bản chiếm 75 tỷ đồng, thiết bị máy móc 104 tỷ đồng và vốn lưu động hàng hóa 70 tỷ đồng. Dự án khởi công vào Quý III/2018.
Để bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động xây lắp, kinh doanh ván gỗ tại nhà máy này, TLD đã vay 80 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Quân đội – Chi nhánh Sơn Tây ngày 15/8/2022. Thời hạn vay đến ngày 2/8/2023.
Tài sản đảm bảo gồm nhiều máy móc, xe chuyên dụng các loại phục vụ sản xuất. Đồng thời là bất động sản công trình Nhà máy sản xuất ván ép công nghiệp của TLD tại ở tỉnh Quảng Bình. 1 xe ô tô con nhãn hiện Mercedes Benz. 2 xe ô tô nhãn hiệu Lexus RX350, RX570 của ông Nguyễn An Ngọc. Cùng đó là thửa đất tại xã Liên Trung, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội của ông Nguyễn Thanh Hải...
Doanh nghiệp này cũng đặt mục tiêu phát triển Dự án Nhà máy sản xuất ván ép công nghiệp Thăng Long, tại KCN Thanh Bình, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn. Quy mô 4,2ha, với tổng mức vốn đầu tư 350 tỷ đồng. TLD kỳ vọng đạt tiến độ giai đoạn 1 hoạt động chạy thử đầu Quý I/2023 và chính thức vận hành Quý II/2023. Giai đoạn II từ Quý II/2023 đến Quý I/2024.
Tuy nhiên, đến cuối tháng 9/2023 giải trình rằng dự án chưa đủ điều kiện triển khai. Do đó, TLD đã thu hồi toàn bộ tiền đã tạm ứng phục vụ giải phóng mặt bằng.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong phát triển sản xuất, kinh doanh. Nhưng năm 2023, TLD đã liền mạch khởi công 2 dự án cụm CN. Cụ thể là Dự án cụm CN Hồng Dương, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội. Dự án có Quy mô 113ha. Tổng mức đầu tư 341 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ Quý III/2020 đến Quý IV/2023. Tháng 8/2023, dự án đã khởi công.
Tương tự là Dự án vừa khởi công Cụm CN Song Phượng , xã Song Phượng, huyện Đan Phượng quy mô 6,7ha. Tổng mức đầu tư 237 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ Quý III/2019 đến Quý I/2024.
Hết năm 2022, TLD còn "tham vọng" lên kế hoạch và nghiên cứu xin cấp phép thực hiện thêm hàng loạt dự án đầu tư cụm công nghiệp. Trong đó tập trung chủ yếu vào 2 dự án lớn là Cụm CN Quỳnh Mỹ, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An với quy mô 61 ha, tổng mức đầu tư khoảng 863 tỷ đồng; Cụm CN Hồng Hà, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội với quy mô 74ha, tổng mức đầu tư 1.677 tỷ đồng.